khổ người nhỏ bé, gầy gò, khuôn mặt dài. Mái tóc bù xù với bộ râu và cặp
lông mày rậm rì đen ngòm đã choán mất một nửa mặt rồi, chỉ còn thấy mỗi
đôi mắt sáng lấp lánh trong bóng tối. Anh mặc áo quần cho bà cụ rất khéo,
đâu vào đấy, như một tay chuyên môn đi liệm thuê, làm cho người xem bất
giác đều thán phục. Theo phong tục ở Hàn Thạch Sơn thì vào những lúc
này, thế nào người bên họ ngoại cũng tìm cách bắt bẻ. Nhưng anh vẫn cứ
làm thinh, bắt bẻ đâu thì sửa chữa đấy, thản nhiên như không. Một bà cụ đã
hai thứ tóc trên đầu đứng đằng trước tôi, phải tấm tắc khen.
Thế rồi, làm lễ. Lễ xong thì khóc. Các bà hết thảy đều khấn lâm râm.
Sau đó, là nhập quan. Nhập quan xong, làm lễ, rồi lại khóc, cho đến khi
đóng nắp hòm mới thôi. Im lặng một phút, bỗng mọi người nhốn nháo lên.
Hình như có điều gì làm cho họ ngạc nhiên lắm và không được bằng lòng.
Và tôi bỗng tình cờ nhận ra rằng thủy chung anh không hề nhỏ lấy một giọt
nước mắt nào, mà chỉ ngồi trên tấm nệm rơm, hai con mắt cứ sáng ngời, lấp
lánh giữa mái tóc bù xù và bộ râu, đôi lông mày đen nghịt.
Việc nhập quan đã làm xong trong cái không khí ngạc nhiên và bất
mãn đó. Ai ai cũng như muốn bỏ ra về ngay, nhưng anh thì vẫn cứ ngồi trên
chiếc đệm rơm, vẻ trầm ngâm. Bỗng anh chảy nước mắt ròng ròng, rồi
khóc thất thanh, sau đó, lại rống lên, như con chó sói bị thương rống lên
giữa cánh đồng vắng đên khuya, nghe vừa thảm thiết, vừa phẫn nộ, vừa bi
ai. Theo phong tục thì không ai lại khóc như thế bao giờ. Vì không đề
phòng trước, nên mọi người đều thấy lúng túng, không biết xử trí ra làm
sao. Ngần ngừ một lát rồi có mấy người đến khuyên giải anh đừng khóc
nữa. Lúc đầu thì chỉ mấy người, sau họ xúm nhau lại thành một đám đông.
Nhưng anh vẫn cứ ngồi đờ ra, không động đậy, như một chiếc tháp bằng
sắt, mà rống to mãi.
Chán ngán, người ta đành phải tản ra, còn anh thì anh cứ khóc, khóc
mãi, có đến nửa tiếng đồng hồ, lúc đó mới bỗng dưng ngừng lại, cũng
không chào hỏi khách đến viếng, cứ đi thẳng tuột vào nhà trong. Sau đó, có