(1) Theo tang lễ Trung Quốc cũng như nước ta ngày trước, khi một
người chết đi mà trưởng nam người đó đã chết trước thì cháu đích tôn sẽ để
tang như tang cha mẹ. Đứa cháu đó gọi là cháu thừa trọng.
Bàn định xong xuôi, họ hẹn nhau hôm nào anh về thì tất cả mọi người
sẽ tụ tập ở phòng khách, bày sẵn thế trận, kẻ tung người hứng, trợ lực nhau,
đàm phán thật nghiêm nghị. Người làng ai nấy nuốt nước dãi, tò mò chờ
nghe tin tức. Họ biết anh là người "phái mới", cái gì cũng "học theo tây" từ
trước đến nay không hề kể gì đến phải trái cả. Nhất định cuộc đấu tranh
giữa hai bên sắp sửa bắt đầu, và chưa biết chừng sẽ to chuyện cũng nên. Và
lúc đó sẽ có nhiều cái lạ lắm, không thể đoán trước được.
Có tin cho biết anh về đến nhà thì đã xế chiều. Vừa bước chân vào nhà
thì anh đến trước linh sàng bà cụ, chỉ cúi mình một cái mà thôi. Ông trưởng
tộc, bà con nội ngoại bèn lập tức thi hành kế hoạch đã định, mời anh ra
ngoài nhà khách lớn, nói giáo đầu một thôi đã, mới vào đề, rồi kẻ xướng
người họa, chín người mười miệng, không để hở một tí làm cho anh không
có dịp cãi lại. Cuối cùng, nói mãi cũng phải hết, cả phòng khách lại im lìm,
ai nấy lo sợ, chăm chú nhìn miệng anh. Anh sắc mặt không chút thay đổi,
chỉ trả lời vẻn vẹn mỗi câu:
- Được tất!
Lại là một điều họ không ngờ trước. Cái gánh nặng trong lòng họ đã
được cất đi rồi, nhưng họ vẫn cảm thấy lại có bề nặng hơn trước, và như thế
này thì anh này quả là "kỳ dị" quá, càng đáng phải lo ngại. Những người
trong làng nghe ngóng tin tức cũng thất vọng. Họ kháo nhau: "Lạ thật! Ông
ta bảo "được tất". Để xem xem ra làm sao". Cái gì cũng có thể theo như cũ
tất thì không có gì mà xem nữa. Thế nhưng họ vẫn cứ muốn xem, cho nên
trời vừa tối, họ đã tíu tít chật trước nhà.
Tôi cũng là một người đến để xem. Tôi cho người đem đèn nhang
sang trước. Khi tôi đến nơi thì thấy anh đang mặc áo quần cho bà cụ. Anh