Câu nói trắng trợn của anh làm tôi ghê rợn. Nhưng tôi cứ tìm lời an ủi:
-Tôi nghĩ người bà con anh cũng không đến nỗi như thế. Chẳng qua óc
họ còn cũ một tí thế thôi. Đấy, như cái năm nọ, lúc anh khóc dữ quá, họ đến
vây lấy anh, hết sức khuyên giải anh. Nhiệt tình lắm đấy chứ!....
- Lúc thầy tôi mất, họ định cướp ngôi nhà của tôi, ép tôi ký tên vào
văn tự, tôi khóc to, họ cũng đến vây lấy tôi và cũng khuyên giải nhiệt tình
như thế!...
Hai con mắt anh đăm đăm nhìn lên không trung, như đang hình dung
lại tình cảnh lúc bấy giờ.
- Nói tóm lại, cũng là tại anh không có con nối dõi. Nhưng mà tại sao
anh lại cứ không chịu lấy vợ thế?
Tôi bỗng tìm ra được cách chuyển câu chuyện sang hướng khác và
cũng để hỏi điều tôi muốn hỏi anh từ lâu. Không có dịp nào tốt hơn nữa.
Anh nhìn tôi, ngạc nhiên. Một lát, anh cúi xuống nhìn vào đầu gối, thế
rồi cứ hút thuốc không trả lời.
III
Tuy anh Liên Thù sống trong cảnh cô liêu như vậy mà người ta cũng
có để cho anh yên đâu. Dần dần, có kẻ giấu tên viết bài công kích anh trên
mấy tờ báo lá cải. Trong giáo giới, cũng thường có những tin đồn nhảm về
anh, nhưng bây giờ không phải là lời nói đùa chế giễu chơi như trước nữa
mà là những lời thương tổn đến anh. Tôi cũng không để ý lắm, tôi biết đó là
kết quả những bài văn mấy lâu anh thường đăng trên các báo. Ở thành S.,
người ta chúa ghét những anh viết những bài nghị luận không kiêng nể ai
cả. Ai như thế là họ ngấm ngầm quật lại. Xưa nay vẫn như thế. Chính anh
Liên Thù cũng biết. Nhưng đến mùa xuân, bỗng nghe nói anh bị ông hiệu
trưởng mời ra khỏi trường. Tin đó làm cho tôi thấy hơi đột ngột. Thật ra,