- Những điều dĩ vãng ấy, tôi vốn không biết. Và hồi còn nhỏ tôi cảm
thấy không sao hiểu được. Hồi đó, thầy tôi còn sống. Cảnh nhà còn khá, cứ
đầu năm mới là thầy tôi lại đem những bức chân dung tổ tiên ra thờ, trọng
thể lắm. Hồi đó, được ngắm những người mặc quần áo đẹp đẽ như thế, tôi
lấy làm sướng mắt lắm. Nhưng cái u em bế tôi lại chỉ vào một bức mà nói:
- Đây mới thật là bà nội đây này! Lạy bà đi để bà phù hộ cho chóng
lớn!
Tôi thật không hiểu tại sao đã có một bà nội rành rành đó rồi, mà lại
còn có một bà " mới thật là bà nội" nữa. Nhưng tôi cũng thích cái bà "thật
là bà nội" đó lắm. Bà ta không già như bà nội ở trong nhà, còn trẻ, trông rất
đẹp, mặc áo đỏ thêu kim tuyến, đội mũ giắt hạt trai, không khác mẹ tôi
mấy. Khi tôi nhìn bà thì con mắt bà cũng nhìn chòng chọc vào tôi, và nụ
cười ở khóe miệng càng lâu càng rõ. Tôi chắc chắn rằng nhất định bà yêu
tôi lắm. Nhưng tôi cũng yêu bà nội hiện ở trong nhà, suốt ngày ngồi trước
cửa sổ khâu vá. Bà cụ khác với bà nội người ta ở chỗ dù tôi vui vẻ nô đùa
trước mặt bà cụ, hoặc giả có gọi bà cụ, cũng không làm cho bà cụ vui lên
được. Tôi thấy bà cụ lạnh lùng quá. Về sau, tôi dần dần xa bà cụ. Cũng
không phải là vì tôi lớn rồi, và biết bà cụ không phải là người đẻ ra thầy tôi,
mà chính là vì cứ thấy bà cụ ngồi lì khâu vá, năm này sang tháng khác, như
cái máy, tự nhiên tôi đâm ra khó chịu. Có điều bà cụ thì vẫn cứ như trước,
vẫn cứ ngồi khâu vá, vẫn săn sóc tôi, chiều chuộng tôi, tuy ít khi vui cười,
nhưng cũng không quở mắng. Cho đến khi thầy tôi mất, bà cụ vẫn cứ như
thế. Về sau, thì cơ hồ chúng tôi hoàn toàn sống nhờ vào đường kim mũi chỉ
của bà cụ, mà bà cụ thì tất nhiên vẫn không đổi khác, cho đến khi tôi đi
học.
Ngọn đèn mờ dần. Dầu đã cạn. Anh đứng dậy mò dưới giá sách ra một
cái bình sắt tây nho nhỏ, rót thêm dầu.
- Chỉ trong mỗi tháng này thôi mà dầu hỏa đã tăng giá hai lần rồi đấy
nhé! - Anh vừa xoay cái cổ đèn vào, vừa nói thong thả - Đời sống càng