đó, tôi liền tìm hết cách chạy chọt cho anh khắp nơi. Nhưng có được gì
đâu! Việc ít, người nhiều. Kết quả là họ nói với tôi một vài câu xin lỗi, và
tôi cũng lại gửi cho anh một bức thư xin lỗi. Tôi dạy gần hết một học kỳ,
tình hình lại rắc rối. Tờ Học lý chu báo của mấy tay cự phách ở đây chủ
trương bắt đầu công kích tôi. Tất nhiên là họ không chỉ đích danh, nhưng
họ nói bóng gió rất khéo, làm cho ai đọc cũng cho là tôi đang gây phong
trào trong học sinh phản đối nhà trường. Và việc tôi đề cử anh Liên Thù
dạy ở đây, họ cũng nói là tôi cốt gây bè kéo cánh.
Tôi đành phải ngồi yên không dám làm gì cả. Ngoài giờ lên lớp ra là ở
nhà đóng cửa lại, trốn tránh. Đến cả khói thuốc lá lọt qua khe cửa sổ mà có
khi cũng sợ tình nghi là gây phong trào phản đối nhà trường! Việc của anh
Liên Thù lại càng không thể đả dộng tới. Như thế cho đến giữa mùa đông.
Hôm ấy, tuyết xuống, mãi đến khuya vẫn chưa tạnh. Bên ngoài vắng
lặng quá, vắng lặng đến nỗi như có thể nghe được thanh âm của sự vắng
lặng. Dưới ánh đèn heo hắt, tôi nhắm mắt ngồi khàn, tưởng tượng thấy hoa
tuyết rơi từng đóa từng đóa xuống lớp tuyết đã phủ dày mênh mông trên
mặt đất, tưởng tượng thấy quê hương tôi đang chuẩn bị ăn Tết, ai nấy bận
tíu tít, còn tôi thì vẫn còn là một đứa bé đang cùng với bọn trẻ con lấy tuyết
đắp tượng La Hán ở chỗ đất bằng trong mảnh vườn sau nhà, rồi lấy hai cục
than nhỏ điểm vào làm mắt cho ông La Hán, đen láy. Bỗng hai con mắt đó
nhấp nháy, biến thành hai con mắt của anh Liên Thù.
"Tôi cần phải sống thêm ít nữa".
Vẫn là cái giọng dạo nọ.
- Tại sao vậy?
Tự dưng, tôi hỏi như thế, và liền cảm thấy buồn cười. Câu hỏi buồn
cười đó làm cho tôi chợt tỉnh. Tôi ngồi ngay ngắn lại, châm một điếu thuốc,
ẩy cánh cửa sổ nhìn: quả tuyết xuống ngày càng nhiều. Nghe có tiếng gõ