cho anh. Bỗng tôi lại nghĩ đến chuyện viết thư trả lời anh, nhưng viết thì
biết nói gì bây giờ, nên lại thôi không muốn viết nữa.
Và dần dần thực tình tôi đã quên anh. Hình ảnh của anh không mấy
khi hiện lên trong ký ức tôi nữa. Nhưng nhận được thư của anh chưa được
mười ngày thì tòa soạn Học lý tuần báo ở thành S. bỗng lại tiếp tục gửi bài
báo của họ đến cho tôi. Tôi thường ít đọc những của ấy, nhưng đã gửi tới
thì cũng tiện lật xem. Không ngờ, tờ báo đó lại làm cho tôi nhớ đến anh
Liên Thù bởi vì ở đấy thường thường có đăng những bài thơ văn liên quan
đến anh, như bài Đến chơi nhà Liên Thù tiên sinh một đêm tuyết xuống
hoặc bài Một buổi gặp mặt của các nhà thơ ở thư trai quán Cố vấn Liên
Thù.
Có một lần ở mục Nhàn đàm, có đăng một bài dài kể lại những mẩu
chuyện trước kia người ta truyền cho nhau để chế giễu anh, những mẩu
chuyện đó gọi là "dật văn" nghĩa là những mẩu giai thoại. Tuy ý tại ngôn
ngoại, nhưng đọc lên, người ta cũng hiểu tác giả muốn nói rằng: "Phàm
những con người phi thường tất có thể làm được những việc phi thường".
Không hiểu sao, tuy những bài báo đó có làm tôi nhớ đến anh, nhưng
trong ký ức tôi thì hình ảnh anh lại cứ không rõ gì cả, có điều tựa hồ như lại
càng thân mật hơn. Điều đó làm cho tôi bỗng dưng thường thấy khó chịu và
hơi rùng mình, mà không biết duyên cớ vì đâu. May sao, đến mùa thu thì
không thấy tờ Học lý tuần báo gửi đến nữa. Nhưng tờ Học lý tuần báo ở
Sơn Dương lại đăng liên tiếp một bài nghị luận khá dài đề là: "Lời đồn đại
cũng là sự thực". Trong đó có nói rằng: những lời đồn đại về mấy ông nọ
đã được truyền đến tai những vị thân sĩ đứng đắn rồi! Bài báo ám chỉ một
số người trong đó có tôi. Tôi đành phải hết sức cẩn thận, và cứ như trước,
cả đến khói thuốc lá cũng phải giữ gìn không dám cho bay ra ngoài. Giữ
gìn cẩn thận như thế thật đến khổ và mất thì giờ, thành ra trăm việc đều bỏ
phế, và tất nhiên không có thì giờ rỗi để nhớ đến anh Liên Thù. Tóm lại, kỳ
thực tôi đã quên hẳn anh rồi.