Có điều này làm cho chúng tôi không được vui là cứ buổi chiều đi làm
về, tôi thường thấy vẻ mặt nàng buồn rười rượi, nhất là khi thấy nàng cố
gượng nói gượng cười thì tôi lại càng buồn hết sức. May mà dò biết được
rằng, nguyên nhân vì có sự lục đục với bà quan nọ về chuyện gà qué giữa
hai người. Nhưng chuyện như thế sao mà hỏi lại nhất định không nói? Con
người ta nhất định phải ở riêng biệt ra. Chỗ như thế này thì không thể ở
được.
Cuộc đời của tôi đã thành nếp rồi. Mỗi tuần lễ sáu ngày, ngày nào
cũng từ nhà đến sở, rồi lại từ sở về nhà. Ở sở thì ngồi vào bàn giấy, sao sao
chép chép công văn và thư từ, về nhà thì ngồi cùng nàng, mặt cùng mặt,
hoặc giúp nàng nhóm bếp, nấu cơm, hấp bánh bao. Tôi biết nấu cơm là từ
hồi đó.
Ở đây tôi được ăn ngon hơn khi ở hội quán nhiều. Tử Quân không có
tài về khoa nấu nướng, nhưng nàng làm hết lòng hết sức. Những điều làm
cho nàng lo nghĩ đêm ngày cũng làm cho tôi lo nghĩ theo, gọi là vui buồn
có nhau. Huống chi nàng lại phải suốt ngày mồ hôi đầm đìa, tóc cứ dính bết
vào trán và hai bàn tay thì càng lâu càng thô ráp đi như thế!
Rồi lại phải cho con Tùy ăn, cho gà con ăn... đều là việc không có
nàng không xong.
Có lần tôi đã nói thật với nàng rằng: "Anh không ăn cũng được, chứ
không để cho em vất vả thế kia". Nàng chỉ lườm tôi một cái, không nói gì,
nhưng nét mặt lại buồn rũ rượi. Tôi đành phải làm thinh. Nhưng nàng thì
vẫn cứ vất vả như thế.
Cái điều không hay mà tôi dự đoán quả nhiên đã xảy ra. Buổi chiều
trước tết Song Thập, tôi đang ngồi thẫn thờ và nàng thì đang rửa chén bát.
Nghe tiếng gõ cửa, tôi ra mở. Thì ra là anh chạy giấy ở sở, anh ta đưa cho
tôi một tờ công văn in thạch. Tôi đã hơi đoán ra chuyện gì rồi. Đem lại
trước bàn xem, quả nhiên tờ công văn viết như thế này đây: