chán. Bây giờ, chịu đau khổ cho đời sống giày vò như thế này, phần lớn
chính là vì nàng. Cho đến cái việc đem con Tùy vứt đi, há lại cũng không
phải vì nàng đó sao? Nhưng sự hiểu biết của Tử Quân hình như lại cứ càng
ngày càng nông nổi, hời hợt, đến nỗi có một điều đó mà cũng nghĩ không
ra.
Tôi tìm một cơ hội đem cái sự thật đó nói bóng gió xa xôi cho nàng
hiểu. Nàng gật đầu ý chừng đã hiểu. Nhưng xem tình hình về sau thì nàng
vẫn chưa hiểu, hoặc giả không tin điều tôi nói là đúng.
Khí trời lạnh và nét mặt của nàng càng lạnh làm cho tôi không thể
ngồi yên thân ở trong nhà được. Nhưng đi đâu bây giờ? Trên đường phố,
trong vườn hoa, tuy không gặp phải những vẻ mặt lạnh lùng như thế, nhưng
gió lạnh thổi thốc vào người như cắt da cắt thịt. Cuối cùng tôi đã tìm ra
được cảnh thiên đường của tôi trong Thư viện bình dân.
Vào đấy không phải mua vé. Trong phòng đọc sách lại có sẵn hai cái
lò sưởi bằng sắt. Mặc dù than trong lò cũng nửa tắt nửa đỏ, nhưng mắt nhìn
thấy có lò là đã tưởng tượng thấy ấm rồi. Có điều sách không có quyển nào
xem được; sách cũ thì cổ hủ quá rồi, mà sách mới hình như không có quyển
nào.
Cũng may tôi đến đấy không phải là để xem sách. Ngoài tôi ra, thường
có mấy người nữa, lúc nhiều nhất là hơn mười người. Ai cũng áo quần
mỏng manh như tôi cả. Và ai cũng xem sách để lấy cớ ngồi sưởi nhờ. Cảnh
này thích hợp với tôi lắm. Đi ngoài đường thế nào cũng gặp người quen, họ
sẽ lườm nguýt mình, khinh bỉ. Nhưng ở đây thì quyết không thể vấp phải
cái tai họa giữa trời ấy, bởi vì những người đến xem sách ở đây, hoặc giả họ
ngồi xa, vây quanh những lò sưởi khác, hoặc giả họ dựa vào cái lồng ấp
bằng đất sét họ mang theo.
Ở đây, tuy không có sách để xem, nhưng tôi lại được an nhàn để suy
nghĩ. Một mình, ngồi thừ ra, nhớ lại khoảng thời gian vừa qua, tôi mới