Tôi tưởng đem sự thật nói cho nàng rõ thì nàng sẽ không còn phải lo
ngại gì nữa, cứ kiên quyết, mạnh dạn bước tới như hồi chúng tôi sắp sửa ở
chung. Nhưng có lẽ tôi nhầm rồi. Hồi đó sở dĩ nàng dũng cảm được, bất
chấp được tất cả chính là vì yêu tôi.
Tôi đã không có cái dũng cảm mang cái gánh nặng hư không đó nên
mới đem cái gánh nặng sự thật đặt lên vai nàng. Bây giờ sau khi yêu tôi thì
nàng phải gánh cái gánh đó, bước đi trên cái gọi là đường đời, trước sự uy
nghiêm của ông bố và sự khinh bỉ lạnh lùng của người xung quanh.
Tôi lại nghĩ đến việc nàng nên chết đi... Tôi thấy rõ tôi là một thằng
khiếp nhược, phải gạt ra khỏi hàng ngũ những kẻ mạnh, dù họ là những
người chân thật hay giả dối. Thế mà tự thủy chì chung, nàng vẫn mong mỏi
cho tôi cầm giữ được sự sống lâu dài hơn.
Tôi phải rời cái ngõ Cát Triệu này. Ở đây vắng vẻ, trống trải quá. Tôi
nghĩ bụng, có lẽ quý hồ rời khỏi nơi này thì tôi lại có cảm tưởng như Tử
Quân còn ở cạnh tôi, hay ít nhất thì cũng có cảm tưởng như nàng còn ở
trong thành phố này. Và một ngày kia nàng sẽ thình lình đến thăm tôi,
giống như hồi tôi còn ở hội quán.
Nhưng bao nhiêu lời nhờ cậy, bao nhiêu thư đi từ về đều không có
hiệu quả gì cả. Cực chẳng đã tôi đành phải tìm đến một bậc thế giao mà lâu
nay tôi không hề lai vãng. Ông này là bạn đồng song với ông bác tôi hồi
còn nhỏ và là một vị bạt cống (7) nổi tiếng về chỗ thông hiểu kinh truyện,
lên ở Bắc Kinh đã lâu, đường giao du cũng rất rộng.
-----
(8) Trong chế độ khoa cử triều Thanh cứ sáu năm một lần (về sau đổi
là 12 năm) thì chọn những người tú tài "văn hạnh kiêm ưu" đưa lên kinh sư
ứng thi. Những người đó gọi là bạt cống, tức là một loại cống sinh.