thì bố con ông làm rắc rối như thế cũng đủ rồi! Không phải là đã hơn hai
năm rồi đó sao? Theo tôi thì nên làm lành với nhau đi, không nên thù oán
nhau... Còn cô Ái thì chồng ăn ở không phải, bố mẹ chồng cũng không ưa...
Thôi thì lần trước tôi đã nói... bỏ nhau đi là hơn! Tôi không có uy quyền gì
nên nói các người không thông. Bây giờ có cụ Thất đây là người chỉ nói
điều phải, chắc các người cũng biết. Bây giờ ý cụ Thất cũng như thế: cũng
giống ý tôi. Nhưng mà cụ Thất còn nói hai bên cũng nên chịu thiệt đi ít
nhiều, bắt nhà Thi bỏ ra mười đồng nữa, vị chi là chín mươi đồng...
- Chín mươi đồng! Các người có kiện đến ông giời nữa thì cũng không
thể được hơn thế đâu! Chỉ có cụ Thất thì mới nói được như thế.
Cụ lớn Thất giương cặp mắt ti hí nhìn ông Mộc, gật đầu.
Cô Ái thấy tình hình nguy kịch. Cô ta rất lấy làm lạ rằng bình thời,
dân miền duyên hải này, ai cũng có vẻ sợ ông bố mình, thế mà tại sao đến
đây, bố mình lại không mở miệng nói được câu gì. Cô ta cho rằng bất tất
phải đến thế? Sau khi nghe cụ lớn Thất nghị luận một tràng, tuy không hiểu
lắm, nhưng không biết thế nào cô ta cũng cảm thấy cụ ta là người hòa nhã,
dễ gần, chứ không đến nỗi sợ như cô ta nghĩ lúc đầu.
Cô mạnh dạn nói:
- Cụ lớn là người có chữ nghĩa, rất sáng suốt, không như người nhà
quê chúng cháu. Cháu oan ức lắm không biết kêu ai, nên cháu muốn trình
bày cụ rõ đầu đuôi. Từ khi cháu về làm dâu, thật là vào luồn ra cúi, lễ phép
đủ điều. Thế mà họ cứ bới lông tìm vết, hành hạ cháu, người nào cũng dữ
như quỷ sứ. Năm ấy, cáo nó bắt mất con gà sống to, có phải là tại cháu
không đóng chuồng gà đâu! Đó là tại con chó ăn vụng cám trong chuồng gà
rồi nó bẩy cửa chuồng ra như thế chứ! Thế mà cái thằng chó đểu không kể
trắng đen, cứ nhè cháu mà tát lấy tát để.
Cụ lớn Thất liền nhìn cô ta.