ra, nhằm vào cái cổ cò hương của lão Vương Râu đang đứng nghe chăm
chú bổ ngay vào gáy:
- S...ật!
Lão Vương Râu hết hồn vía thụt ngay cả đầu lẫn cổ xuống, nhanh như
chớp nhoáng, như đá tóe lửa, trong lúc đó thì người nghe đứng xung quanh
vừa sợ hãi, vừa thích thú. Sau đó, có mấy ngày trời, lão Vương Râu vẫn
còn choáng váng cả đầu óc, nhẩt định không dám lại gần AQ nữa; những
người khác cũng vậy.
Trước con mắt dân làng Mùi lúc bấy giờ, địa vị AQ dù chưa có thể nói
rằng oai hơn Cụ Cố Triệu, nhưng nói xấp xỉ thì cũng chẳng sai bao nhiêu.
Chẳng bao lâu, danh tiếng AQ đã lừng lẫy đến trong chốn khuê phòng
làng Mùi. Thực ra, trong làng Mùi chỉ có hai nhà có thể gọi là có khuê
phòng: ấy là nhà họ Triệu và nhà họ Tiền. Ngoài ra chín phần mười chả nhà
nào là có khuê phòng cả; nhưng buồng đàn bà con gái nào mà chẳng gọi là
khuê phòng? Cho nên danh tiếng AQ đồn đại khắp khuê phòng cũng cho là
một sự lạ đi! Các bà hễ gặp nhau là trầm trồ những chuyện như là: thím
Bảy Trâu vừa mua lại của AQ được một chiếc quần lụa màu xanh lam, cũ
một tí, nhưng "chỉ có chín hào bạc thôi!", hoặc là bà mẹ bác Triệu Bạch
Nhãn - một tin khác nói là bà mẹ bác Triệu Tư Thần cơ, chứ không phải là
bà mẹ bác Triệu Bạch Nhãn, chưa rõ tin nào đúng hơn, chờ kiểm tra lại đã -
cũng mua được một cái áo trẻ con bằng vải sa tây điều còn khá mới, mà chỉ
có ba quan tiền, cứ chín mươi hai đồng ăn một quan! Thế rồi các bà người
nào cũng cứ mong gặp AQ , người thiếu quần lụa thì mong hỏi quần lụa,
người thiếu áo sa tây thì lăm le mua áo sa tây. Thế AQ không những họ
không trốn tránh nữa mà thậm chí lại có nhiều lúc AQ đi đã khá xa rồi, họ
còn chạy theo, gọi đứng lại để hỏi: "Chú AQ này, còn cái quần lụa nào nữa
không! Hết cả rồi à?... Thế, áo vải tây điều cũng được. Còn đấy chứ?...