nặng lên cô như thế, chưa bao giờ cô lại nhận thức rằng mình đang rất tỉnh
táo thế nhưng lại như sống trong mơ như thế. Những dãy hành lang dài,
những cánh cửa thấp và có rầm đỡ cong vòng, những nền nhà sẫm mấp mô,
những tấm thảm Ba Tư, những tấm thảm thêu và màn trướng chỉ thêm đáng
yêu khi màu sắc của chúng mờ đi vì quá nhiều ánh mặt trời, những góc
quanh của các cầu thang, bầu không khí trang nghiêm giữa những bức
tường, những bức tranh nhiều vô số, những cái giường to lớn, những dãy
vô tận các két sắt, tủ, đi-văng cổ lổ - tất cả những thứ này chỉ trong vòng
vài phút đã khiến cho Alice thấy mệt nhoài hơn nhiều so với chuyến hành
trình dài từ nhà cô sáng hôm đó. Cô cứ đi mãi, hết lên lầu rồi lại xuống
thang. Cuối cùng, với một cái thở dài, cô nhìn vào cái đồng hồ nhỏ bằng
bạc vốn là quà tặng sinh nhật của mẹ cô, những cây kim mỏng manh của nó
cho cô biết là cô vẫn còn mười lăm phút nữa trước khi cần phải quay về căn
phòng của người bà tám đời.
Cô bước vào một căn phòng giống như một thư viện nhỏ. Những bức
tường chạy từ trần nhà xuống nền nhà chất đầy những quyển sách bìa da đủ
cỡ, ở giữa là những bức chân dung và tiểu họa đáng yêu và hàng chục tấm
huy chương. Cô đoán hẳn chúng phải thuộc về các cụ ông cụ bà của cô và
chỉ có trời biết là họ đã sống cách đó bao nhiêu triều đại.
Thật sự, có một hai bức tranh, như những câu đề tặng khó đọc cho thấy,
là quà của những vì vua chúa tặng cho gia đình. Trong những bộ trang
phục, tóc giả, mũ không vành và những nếp váy khác nhau, trông như thể
họ phải là những vị khách của một buổi dạ hội thời trang lớn.
Trong phòng có một hốc tường thấp gắn cửa sổ vòm và trên đó là một
mảnh thảm thêu. Tấm kính cửa sổ mở ra. Mặt trời đã ngả về hướng tây, ánh
nắng chiếu xiên vào rọi lên trên những cái khung mạ vàng, bằng gỗ mun
hay ngà voi, treo trên những cây đinh . Alice quỳ xuống bên cửa sổ và tâm
trí cô trôi vào một giấc mơ ngày. Ánh mắt cô lang thang lướt ra xa khỏi
những ngọn sồi cổ thụ vàng óng ánh, những tàng tuyết tùng tối sẫm trải dài
– có lẽ đó là con cháu của những cây mà ngài Philip Sidney
đã mang từ
phương đông về nước Anh cho người vợ yêu của ông.