Pháp Thân của Phật A Di Ðà không chỗ nào chẳng hiện diện. Phật hiện
diện ở đâu nơi đó đều có quang minh: “Quang trung hóa Phật vô số ức, hóa
Bồ Tát chúng diệc vô biên” (trong quang minh hóa hiện vô số ức đức Phật,
và cũng hóa ra vô biên các vị Bồ Tát). Trong quang minh của Phật, Phật A
Di Ðà và các vị Bồ Tát hiện diện trong đó lại đều là quang minh. Âm thanh
của quý vị phát ra đó sẽ đi về đâu? Ði đến quang minh của Phật. Quang
minh của Phật lại đi đến đâu? Hòa nhập vào âm thanh của quý vị. Khi âm
thanh hòa lẫn vào quang minh, quý vị chính là A Di Ðà Phật. Khi quang
minh hòa nhập vào âm thanh thì A Di Ðà Phật chính là quý vị. Khi âm thanh
và quang minh hòa hợp nhau, nếu quý vị không vãng sanh thì sẽ chạy đi đâu
nữa đây? Ðây là điều thứ tư. Có vậy mới kể là đã đạt công phu. Ðấy chính là
biện pháp tu hành Chánh Công Phu vậy.
Lại còn có công phu để hỗ trợ. Sức của công phu hỗ trợ rất lớn. Vì sao
vậy? Thưa cùng quý vị, giờ đây quý vị thực hành theo biện pháp tôi vừa nêu
đến mức (chánh công phu) rất khá rồi, một khi quý vị bước chân ra khỏi
cổng chùa, liền nghĩ: “Ái chà! Bây giờ mình có thể nói sướng miệng đây!”
Hỏng rồi! Ngay lúc tâm khởi ý niệm buông lung khẩu nghiệp thì tâm quý vị
liền chạy theo bên ngoài. Mới gom tâm để đạt được Nhất Tâm, vừa bước ra
ngoài liền để tâm chạy theo bên ngoài thì công niệm Phật tại đây (chùa Linh
Sơn) đành mất trắng. Ra ngoài thấy, nghe sự gì đó tâm lại loạn thì uổng mất
công niệm Phật tại đây. Ở trong này, đàn áp được Kiến Tư Hoặc, nhưng vừa
ra ngoài là lại chồng chất thêm, quý vị nghĩ nên trách ai?
Công phu tu hành xét đến cùng cực thì chính là ngày chầy tháng rộng,
thời thời khắc khắc chẳng biến đổi. Chẳng những chỉ ở chùa Linh Sơn mới
tu như vậy mà khi ra khỏi cổng chùa cho đến khi về đến nhà vĩnh viễn tu
hành như vậy thì mới là tu hành, chứ chẳng phải ngoài dịp Phật thất thì
chẳng tu hành. Nếu như chùa Linh Sơn không mở Phật thất, quý vị không tu
thì chính là quý vị tự hại mình, chẳng cần biết là có mở Phật thất hay không
vẫn thực hành như vậy. Vậy thì xét ra biện pháp này có khó thực hiện hay
chăng?
Nếu chẳng giữ vững được một câu Phật hiệu thì phải luôn sám hối. Ðiều
này rất khẩn yếu. Sám hối là tự xét những điều mình làm chẳng đúng, tạo
bao tội lỗi. Xét ra dù xuất gia hay tại gia, người tu hành chắc thật thì thấy
mình làm gì cũng đều là tội lỗi. Hễ nhắc đến tội liền sám hối. Mình đã làm
sai, nhưng làm sai rồi lại làm gì nữa? Ðã làm sai nhưng vẫn còn tái phạm.
Mỗi ngày thời thời, khắc khắc từ sáng đến tối sám hối. Như vậy thì ngoài
việc sám hối ra còn có gì làm loạn mình nữa ư? Dù có loạn ở chỗ nào đi nữa,
vẫn chú tâm nơi Phật, thì còn có gì nữa đâu?
Thấy người khác làm điều tốt bèn sanh lòng hoan hỷ. Thật ra, phát tâm
hoan hỷ cũng là loạn, chẳng thể vãng sanh; cho nên hễ thấy ai làm điều lành