nàng tưởng tượng họ đang nói về nàng, rồi sẽ đỏ mặt tía tai và bỏ đi ngay
lập tức. Nàng chọn những nơi vắng người dọc theo bức tường bên bờ hồ,
hoặc là khu kinh đào, tại đó đông xe cộ đi lại nên người ta không có thời
giờ hoặc không có ý nhìn tới nàng. Tuy thế bài vè "Hồng Mẫu Đơn" cũng
đã rất nổi tiếng.
Như thường lệ, bài vè do một người vô danh viết ra, tận dụng sự kiện nàng
là một góa phụ, bỏ nhà chồng ba tháng sau khi chồng chết, cố ý tả nàng là
một phụ nữ đem lại chết chóc. Giới trung lưu và những người chủ trương
đạo đức thích bài vè lắm. Tuy nhiên, trong cái ngày tang lễ, nhiều người
hiện diện rất cảm động trước cảnh họ được chứng kiến, và họ có cảm tình
với người con gái đau khổ ấy. Nhiều người có cảm tình với Mẫu Đơn hơn
là người vợ; cái thảm kịch của một người con gái mắc kẹt trong tình trường
bao giờ cũng gợi ra phản ứng thương xót, đặc biệt là trong giới thi nhân.
Không gì kích thích trí tưởng tượng nhiều bằng một tình yêu bị trắc trở,
hoặc một mối tình bất chính.
Trong hội quán Thi Xã có nhiều nhà thơ rất tình cảm. Nhiều người quen
biết Tần Châu, và bây giờ người ta còn biết hai người tình đã dan díu với
nhau trước khi có gia đình. Thường một đề tài được lựa chọn sau bữa ăn
trưa tại hội quán, để cho hội viên có cơ hội trổ tài làm thơ. Các nhà thơ đã
thêu dệt nỗi buồn và lòng hối hận của Mẫu Đơn, nhưng không thể nào thi
vị hoá lòng ghen lồng lộn của bà vợ. Những bài thơ này truyền từ miệng
này sang miệng khác trong giới văn nhân cũng nhanh chóng không kém lời
ngồi lê đôi mách giữa đàn bà. Cái tên Mẫu Đơn bỗng nổi tiếng trong văn
giới, nhưng nàng cực kỳ khó chịu.
Nàng không thể nào ở lại Hàng Châu được nữa. Çn nấp trong nhà và bị
Ông bố tiếp tục rầy trách, nàng cảm thấy nghẹt thở, và ao ước một cơ hội
bỏ trốn tới một nơi xa lạ, không ai biết nàng và tìm ra được tung tích nàng.
Bạch Huệ cùng Như Thủy xuống thành phố để ăn Tết với bà con. Nàng
thấy Mẫu Đơn thay đổi quá nhiều.
Mẫu Đơn trở nên lặng lẽ và mệt mỏi; nỗi buồn của nàng, cùng với giọng
nói dịu dàng và chậm chạp đem lại cho nàng vẻ trang nghiêm điềm đạm mà
Bạch Huệ trước kia không thấy. Bạch Huệ và Như Thủy sống một cuộc đời