Hải Đường gợi ý, "Hãy nói về triều đình, hoặc Từ Hy Thái Hậu, hoặc bất
cứ chuyện gì." Ông Tô nói thêm, "Hãy nói về triều đình." Gân máu nổi lên
hai bên thái dương Mạnh Giao, nhưng mặt chàng không đỏ vì rượu. Chàng
thong thả mỉm cười và nói:
- Triều đình hả? Thực là bê bối.
Bà Tô hỏi, "Cháu nói thế nghĩa là gì?" - Đó là vấn đề nhân cách. Hãy lấy
Viện Hải quân Phúc Châu làm thí dụ. Trong đó đầy những người nhà của
ông này ông kia quan trọng tại Bắc Kinh. Và nói chung thì chỗ nào cũng
vậy. Cháu nghĩ chúng ta không thể xây dựng được một hải quân tân tiến.
Khi chiến tranh xảy ra, hải quân của chúng ta không thể cầm cự được ba
mươi phút.
Rồi chàng nói về viên tổng đốc Lưỡng Quảng Diệp Danh Thám đã đưa ra
sáu nguyên tắc để chống lại quân Pháp bằng hai câu thơ:
Ta không tấn công, không phòng vệ, không cầu hoà; Không tử chiến,
không đầu hàng và không đào tẩu.
Hai câu thơ "sáu không" của ông ta thực là đáng thưởng huy chương. Cả
nhà đều phì cười về mẩu chuyện này. Ông Tô hỏi:
- Thế còn Hoàng Đế thì sao?
- Cháu không muốn bất cứ điều gì nói ở đây đi ra ngoài cửa. Hoàng đế thực
là anh minh. Đối với chúng ta ngài là Hoàng Đế, nhưng ở trong hoàng cung
ngài chỉ là cháu của Thái Hậu. Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản may
mắn hơn. Ông ta không có một bà cô già ngu dốt ngăn cản. Minh Trị và
hoàng thân Ito là những người xuất chúng, và hai người đã thành công cải
cách được quốc gia.
Bà Tô nói, "Hãy nói về quan Đại học sĩ Trương Chi Đông và Lý Hồng
Chương." - Dĩ nhiên cháu sẽ thiên vị cho cấp trên của cháu. Trong triều
luôn luôn có sự tranh chấp về nhân sự. Cả hai vị là những vĩ nhân. Nhưng
tiếc thay Lý Hồng Chương hiện đang nổi bật. Mọi người chắc nghe nói về
những cải cách - hầm mỏ, đường xe lửa vân vân. Họ Lý dính dấp về tài
chánh rất nhiều trong tất cả những cải cách này. Công ty Hàng Hải Trung
Hoa là một thí dụ xấu xa nhất.
- Còn Trương Đại Học sĩ?