người một lại gần quan tài để vĩnh biệt người chết; mỗi người lẳng lặng vái
lạy rồi rón rén bước ra cửa một cách kính cẩn.
Xếp Thuyết đứng lại bên quan tài thêm một phút nữa, tay gõ vào quan tài
để được nghe cái âm thanh cứng mạnh, mặt rạng rỡ vì rất thoa? mãn. Ông
khoan khoái lẩm bẩm, "Gỗ tốt thực!" Bà Phí trẻ tuổi lúc đó ngẩng đầu lên,
hiển nhiên là cất được gánh nặng, nhưng đôi mắt không giấu được vẻ lo
lắng.
Khi khách ra về cả rồi, nhà giáo họ Vương ở lại. Vợ Ông đảm trách việc
sửa soạn bữa ăn trưa nhẹ gồm có mì ăn với bánh bao, và ở lại lo cho mọi
việc đâu vào đấy. Tuy các nhân viên sở Thuế Muối ra về rồi, nhưng vẫn
còn đông đủ láng giềng tới viếng và đưa đồ phúng, và những hình thức tối
thiểu cần thiết phải được chu đáo. Những người đưa đồ phúng được mời
dùng bánh bao. Những chi tiết này đòi hỏi sự quán xuyến của một người
đàn bà.
Mẫu Đơn tỏ ra rất biết ơn. Ông bà Vương là hàng xóm của nàng, và nàng là
người vừa trẻ vừa cô đơn, nên thường tới thăm và thích chơi đùa với con
cái ông bà. Hai bên chưa phải là bạn thân; nhưng khi nàng rất cần sự giúp
đỡ vào lúc tai họa xảy ra, trong khi nàng chỉ có một mình mà phải cáng
đáng công việc phức tạp của một đám tang, thì cặp vợ chồng này bất ngờ
tới và sẵn sàng giúp đỡ.
Khi bà Vương dẫn nàng trở vào phòng trong, nàng nói với bà Vương một
cách giản dị và có vẻ xa vắng, "Tôi cám ơn bà nhiều lắm." Nàng nói mà
không nhìn bà Vương, giọng nàng trẻ, ròn rã nhưng rất nhẹ nhàng, như
tiếng rung của một cái chuông bị rạn nứt. Nàng nói như một đứa trẻ, không
cảm tình và cũng không màu mè. Rồi như chợt nhớ ra, nàng nói thêm, "Tôi
không biết tôi sẽ làm thế nào nếu không có bà." - Ồ, bà chỉ có một mình.
Đây là điều tối thiểu một người bạn có thể làm.
Lời cám ơn đơn giản được chấp nhận với một sự giản dị tương tự. Bà
Vương nói tiếp:
- Bây giờ nằm nghỉ một lát đi. Tôi vào bếp và kiếm ít cháo cho bà. Bà
không cần phải lo ngại về đồ phúng điếu. Tôi sẽ lo cho. Bà cần phải mạnh
khỏe cho chuyến đi về quê nhà.