Chúng tôi đi theo một hành lang tối om và sau khi loạng choạng bước đi,
chúng tôi vào trong một gian phòng rộng được chiếu sáng bởi một bóng
đèn điện duy nhất. Lúc ấy, người đàn ông kia mới nói:
- Khốn nạn, các người vượt biên giới một cách bất hợp pháp đến đây
không có giấy tờ và đi lang thang trong khu vực của Nga! Vì sao các người
không đến trong khu vực của Mỹ hay của Pháp?
- Lần chót tôi đến Vienne là năm 1926, tôi đã ở tại khách sạn Sacher –
bố tôi trả lời, mặt mày tái mét vì mệt – Làm sao tôi biết được các khu vực?
Người quản lý trại nét mặt rầu rĩ bèn mỉm cười. Nghe nhắc lại thời vàng
son của thành phố Vienne, mặt ông ta tươi hẳn lên. Ông ta nói:
- Lẽ tất nhiên! Khách sạn Sacher…Nhưng thời thế đã thay đổi… Các
người hãy ở lại đây cho đến sáng ngày mai. Khoảng tám giờ, tôi sẽ dẫn các
người đến ranh giới của khu vực, ở đó các người sẽ xoay sở với trung tâm
đón tiếp người tị nạn, trung tâm sẽ lo liệu giấy tờ cho các người.
Trong gian phòng lớn bằng gỗ, mốc thếch vì nước mưa ấy, có ba cái bàn và
ghế dài, cái lò sưởi đốt bằng than để trong một góc phòng. Người quản lý
trại lại nói:
- Mọi người hãy ngồi xuống đi, người ta sẽ đem xúp và bánh mì vào
cho các người. Người đàn bà sắp đến đây không được biết gì cả. Nếu bà ta
có hỏi, các người hãy trả lời rằng các người trễ chuyến tàu và không có tiên
để ở khách sạn. Nhất là khi ngủ đừng có cởi áo quần ra. Ở đây không thiếu
bọn du côn du đãng…
Với một cử chỉ bất ngờ đối với chúng tôi, ông ta đưa tay ra và nói tiếp:
- Chúc ngủ ngon và may mắn. Tôi sẽ đến gặp các người vào sáng mai.
Chúng tôi ngồi xuống một cái ghế dài, vài phút sau mồ hôi đã chảy xuống
dọc theo lưng chúng tôi. Mẹ tôi và tôi mặc ít nhất ba cái áo dài mỗi người
và bố tôi có trên người năm cái áo sơ mi. Khi còn ở bên Hungari, người
đưa đường không cho chúng tôi mang theo va li, buộc lòng chúng tôi phải
mặc chồng lên nhau tất cả áo quần chúng tôi có. Đã ba ngày rồi, chúng tôi
không thể cởi áo quần ra.
Mẹ tôi nói:
- Ít nhất chúng ta phải cởi áo măng tô ra.