- Nó rất ngoan và hiền lành lắm. Tôi đã nhiều lần nói với bà chủ rằng
Sibylle không cần một người bảo mẫu…
Với những lời ấy, bà bếp vừa đe doạ một cách độc ác chỗ làm, việc làm của
tôi. Với một vẻ nghiêm chỉnh, như thể tôi tới đây với một bằng cấp bảo
mẫu chuyên nghiệp do một trường nổi tiếng của Thuỵ Sĩ cấp, tôi nói:
- Một đứa trẻ luôn luôn cần được chăm sóc chu đáo về nhiều phương
diện và cũng còn có anh chị nó nữa…
- Bốn đứa, hai trai và hai gái – Rose nói với vẻ hãnh diện như thể bà ta
là bà nội của chúng – Nhưng cô sẽ chỉ chăm sóc một mình Sibylle…
Bỗng bà ta im lặng một lát rồi hỏi:
- Cô người nước nào?
- Hungari.
Nước mắt tôi trào ra, vì tôi buồn vô hạn khi nghe cái từ Hungari do tôi vừa
nói, cắn chặt răng, tôi muốn nuốt hai hàng nước mắt, nhưng vô hiệu, tôi
nhục nhã, gục đầu xuống bàn.
- Tôi không muốn làm cho cô khóc, cô thứ lỗi cho tôi…
Làm sao có thể giải thích với bà ta rằng tôi không giận bà, rằng chính cái từ
Hungari đã làm cho tôi xúc động đến nỗi không thể cầm được nước mắt?
Tất cả những nỗi đau đớn âm ỉ mà tôi đã đè nén bấy lâu nổi dậy, tôi khóc
cuộc đời mà tôi đã mơ ước, bố mẹ ở xa, Georges cũng ở xa, và tôi, luôn
luôn bị giày vò bởi câu hỏi "Cô người nước nào?"
Tôi cảm nhận được bàn tay của bà bếp để trên mái tóc tôi, tôi ngẩng đầu
lên, bà ta cũng khóc. Bà kéo ghế của bà đến gần ghế tôi.
- Cô nhớ nhà phải không? Ô đừng khóc nữa. Tình trạng này sẽ không
kéo dài mãi mãi…
Tôi tìm cái khăn tay của tôi.
- Tôi không muốn trở về bên đó nữa, nhưng tôi muốn có "một mái
nhà" của tôi ở đây.
Với cái tạp dề mới ủi thẳng băng và mái tóc bạc hoa râm, bà giống như một
vú già. Nếu tôi có thể đặt đầu tôi lên cái vai ấy, tôi sẽ tìm lại được quá khứ,
sự bình an, đồng quê, thời thơ ấu. và tôi đã làm như thế.
Bà nói thì thâm bên tai tôi: