một lần anh nói với tôi rằng tôi còn bảy năm nữa để mặc những áo dài màu
sắc rực rỡ, bởi vì sau tuổi ba mươi thì phải coi chừng. Không nói ra, tôi biết
rõ rằng tôi sẽ từ giã anh trước cái tuổi ba mươi bất hạnh ấy. Nhưng tôi cũng
biết rằng tôi sẽ nỗ lực một cách phi thường để không chêt khi lâm bồn. Tôi
muốn đích thân nuôi con tôi .
Ban đêm, Georges nằm xuống là ngủ được ngay, tôi tưởng tượng những
cảnh rất cảm động và buồn cười, làm cho tôi cười hay khóc trong bóng tối.
Tôi thấy Georges đội một cái mũ cối hình tròn và cao, có vành và mặc áo
jacket đi đưa đám tang của tôi và tôi run sợ khi nghĩ rằng anh sẽ nói với
đứa con của tôi "Ôi, má của con rất dễ thương, bà viết tiểu thuyết. một
hôm, bố không hiểu vì sao, má con đã biểu thợ cắt ngắn đầu tóc dài màu
hung của bà". Và tôi cũng thấy ảnh của tôi đầy bụi bặm. Sau những loại ảo
ảnh ấy, tôi ngồi dậy trong cái giường hẹp của tôi, ôm chặt bụng để con của
tôi không cảm thấy sự xúc động vô ích của tôi. Tôi yêu thương con tôi một
cách say đắm dữ dội và ban đêm khi quá đói bụng, tôi tự an ủi với sự tin
cậy vào định luật tự nhiên, tôi biết rằng đứa con của tôi được nuôi dưỡng
bằng máu huyết của tôi. Tôi cảm nhận sự hiện hữu của nó với một niềm vui
sôi nổi, đầy xúc động và sợ hãi. Tình trạng đói khổ đến cùng cực trong đó
chúng tôi đang sống, làm cho tôi nhắm mắt tin cậy vào Đức Chúa trời. Tôi
chờ đợi phép màu nhiệm của Ngài với lòng tin vững chắc của những người
không còn lo ngại cho chính bản thân mình, nhưng muốn tái tạo thế giới
cho con cháu của mình.
Một lần tôi đi với Georges đến nhà người thợ mộc, tôi cảm thấy trong
người đau đớn khó chịu vô cùng – chung quanh tôi mọi vật quay cuồng và,
đứng tựa vào tường một ngôi nhà, áp khăn che miệng, tôi nói với Georges
rằng tôi sẽ không thể ngồi trên một cái ghế trong một giờ được, tuyệt đối
tôi phải nằm nhà thôi. Anh không thể đưa tôi đi trở về được, nếu anh bỏ
mất giờ dạy, buộc lòng chúng tôi phải nhịn đói. Tôi đành phải mua vé
métro để một mình trở về nhà. Chuyến đi ấy dài vô tận, tôi phải luôn luôn
đặt khăn tay trước mũi. Ở trước mặt tôi, một người đàn ông ngồi đọc báo,
thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn tôi một cái như muốn nói rằng đàn bà đau ốm
thì phải ở nhà chứ đi đâu thế này!