Thế là cả lớp nhao nhao lên, không khí im lặng như tờ liền bị phá vỡ:
“Phải thi hành!”, “Không phải thi hành!”, “Thầy có thể!”, “Không thể!”,
“Thầy đúng!”, “Không đúng!”… Thầy giáo đấm mạnh xuống bàn:
– Thôi ngay! Đang giờ Địa Lý kia mà! Tôi đã chiến đấu như thế nào và
điều gì xảy ra với tôi, thì có người được biết và nơi cần biết. Còn bây giờ
chúng ta hãy trở lại nghiên cứu bản đồ!
Và thế là lại không em nào trong lớp nhìn thấy cái điểm nhỏ li ti khó
phân biệt trên bản đồ, nơi một loạt đạn tiểu liên bất ngờ lại xảy ra, còn
người thầy giáo cầm thước kẻ đứng bên bảng đen thì chậm chạp lăn xuống
sườn dốc, máu nhuộm đỏ cả tấm bản đồ Châu Âu ba màu, xanh dương,
xanh lá cây và nâu…
Mấy ngày sau Abutalip bị gọi lên phòng giáo dục huyện. Tại đó, người
ta không giải thích một lời, chỉ bảo anh làm đơn xin thôi việc theo nguyện
vọng riêng của anh: một chiến sĩ đã bị địch bắt làm tù binh không có tư
cách giáo dục thế hệ trẻ.
Abutalip Kuttybaev cùng vợ là Zaripa và cậu con trai đầu lòng Daul
đành phải chuyển sang huyện khác, xa hẳn nơi cũ. Hai vợ chồng cùng dạy ở
một trường làng. Tưởng như đã yên ổn, có chỗ ở hẳn hoi, Zaripa là một cô
giáo trẻ giàu năng lực, được cử làm hiệu phó. Nhưng đúng lúc đó bùng ra
sự kiện năm bốn mươi tám có liên quan đến Nam Tư, từ đó người ta nhìn
Abutalip Kuttybaev không chỉ như một kẻ từng bị địch bắt làm tù binh, mà
còn là một nhân vật đáng ngờ, vì đã ở Nam Tư mấy năm. Và mặc dù anh đã
chứng minh, rằng anh chỉ cùng các đồng chí Nam Tư hoạt động du kích
chống phát xít, song người ta không thèm chú ý đến điểm đó. Mọi người
đều hiểu và thông cảm đôi chút với anh, nhưng không ai dám nhận trách
nhiệm gì theo nghĩa bảo lãnh cho anh. Anh lại bị gọi lên phòng giáo dục
huyện, và lại lặp lại cái vụ anh phải làm đơn xin thôi việc…
Thêm nhiều lần chuyển hết chỗ nọ sang chỗ kia, đến cuối năm năm
mươi mốt, giữa mùa đông giá rét, gia đình Abutalip Kuttybaev tới ga
Boranly - Bão Tuyết nằm giữa miền thảo nguyên cỏ gai hoang vu…
Mùa hè năm năm mươi hai trời nóng hơn hẳn mọi năm. Đất khô quắt
lại, bị nung nóng đến độ cả những con thằn lằn ở vùng này cũng chẳng biết