đến bất cứ cái gì. Khi một đoàn tàu xuất hiện phía sau lưng, anh cũng chả
buồn ngoảnh lại.
– Ê, Abutalip, xuống vệ đường đi chứ! Anh làm sao thế, điếc hả? –
Edigej gọi to.
Nhưng Abutalip không nghe thấy. Mãi khi đầu máy kéo còi, anh mới
lánh xuống vệ đường, song cũng chẳng thèm nhìn đoàn tàu băng qua bên
cạnh. Và cũng không thấy người lái tàu giơ nắm đấm đe dọa.
Hồi ở ngoài mặt trận, rồi bị bắt làm tù binh, anh không bị bạc tóc. Dĩ
nhiên, vì hồi ấy anh trẻ hơn – lúc ra trận mới mười chín tuổi, là thiếu uý –
thế mà mùa hè này tóc anh đã lốm đốm sợi bạc, những sợi tóc bạc ở miền
Sarozek. Hơn nữa tóc lại bạc không đều, cứ lấm tấm từng vệt, nhất là ở hai
bên thái dương. Tóc anh vẫn dày và mềm. Dạo trước anh là một chàng trai
khá đẹp, có dáng lắm. Trán rộng, mũi chim ưng, đầu hơi lộ, cái miệng
cương nghị, đôi mắt hơi dài, tầm vóc cân đối. Zaripa thỉnh thoảng vẫn buồn
bã nói đùa: “Anh Abu xui thật, lẽ ra phải sắm vai Othello trên sân khấu mới
đúng”. Abutalip cười khẩy: “Khi đó anh sẽ bóp cổ em như một thằng ngốc,
em muốn thế ư!”.
Phản ứng chậm chạp của Abutalip khi có chuyến tàu sau lưng đã khiến
Edigej lo ngại thật sự. Anh bảo Zaripa, giọng như có ý trách móc:
– Chị nên nói với anh ấy đừng làm thế, thợ lái tàu sẽ không chịu trách
nhiệm. Không được đi bộ trên đường tàu chạy, vả vấn đề cũng chẳng phải ở
đó. Liều lĩnh như vậy ích gì?
Zaripa thở dài nặng nề, lấy tay áo lau mồ hôi trên khuôn mặt đỏ gay và
sạm nắng:
– Tôi sợ cho nhà tôi quá.
– Chị bảo sao?
– Tôi sợ, anh Edigej ạ. Chẳng giấu gì anh, nhà tôi vẫn tự hành hạ mình
vì tôi và các con, tại cái hồi tôi lấy chồng, tôi đã không nghe lời khuyên của
gia đình. Ông anh tôi bực quá, quát lớn: “Mày sẽ ân hận suốt đời, con ngốc!
Mày không phải đi lấy chồng, mà đi hứng lấy tai hoạ, rồi con mày và cả
cháu chắt của mày nữa cũng sẽ bất hạnh thôi. Còn thằng người yêu của mày
nếu nó biết suy nghĩ, thì nó không được lấy vợ, mà phải thắt cổ tự tử mới