vợ. Ánh điện sáng rực trong chiếc chòi bẻ ghi nhỏ bé, sơn màu trắng tuyền,
chợt soi rõ mồn một những nếp nhăn mà bác chưa hề nhìn thấy trên hai gò
má đã bắt đầu sạm của Ukubala (trước kia Ukubala là một cô gái chắc nịch,
da hơi ngăm pha màu lúa tiểu mạch, có đôi mắt đen sáng long lanh), rồi cả
cái miệng khuyết mấy chiếc răng kia một lần nữa chứng tỏ rằng dù một phụ
nữ đã hết thời xuân sắc cũng hoàn toàn không nên để khuyết răng như vậy
(lẽ ra từ lâu, đã phải đưa vợ đi lắp những chiếc răng kim loại. Bây giờ hết
thảy mọi người, từ già chí trẻ, đều lắp răng giả như thế cả). Thêm vào đó là
những món tóc bạc trắng từ dưới vành khăn xoã xuống mặt, khiến trái tim
bác nhói đau.
“Ôi mình ơi, mình già mất rồi” – Edigej ngầm thương vợ với cảm giác
gờn gợn như chính bác có lỗi một phần. Bởi vậy, bác càng nặng lòng biết
ơn vợ về mọi điều, về tất cả những gì hai vợ chồng từng trải qua sau nhiều
năm chung sống. Và đặc biệt về việc vợ bác, giữa đêm hôm khuya khoắt, đã
chạy dọc đường tàu tới điểm xa nhất của cái ga xép này để báo cho chồng
biết tin Kazangap mất. Bởi lẽ, Ukubala biết rõ tin này rất hệ trọng đối với
Edigej. Lão Kazangap bất hạnh – một ông già cô đơn – vừa qua đời trong
ngôi nhà đắp bằng đất trống trải. Ukubala hiểu rằng trên đời này chỉ có một
mình Edigej xúc động lo lắng đến cái chết của ông già Kazangap đã bị mọi
người bỏ rơi, tuy rằng chồng bà chẳng phải họ hàng thân thích gì với người
quá cố.
– Mẹ nó hãy ngồi nghỉ một chút đã – Edigej nói, khi hai người đã vào
trong chòi.
– Ông cũng ngồi nghỉ đi – Ukubala bảo chồng.
Hai người ngồi xuống:
– Có chuyện gì vậy?
– Bác Kazangap chết rồi.
– Hồi nào?
– Vừa rồi, tôi chạy sang nhà bác ấy xem bác có cần giúp cái gì không.
Tôi bước vào nhà, đèn vẫn sáng, và bác ấy vẫn nằm nghiêng trên giường,
riêng chòm râu không hiểu sao lại cong ngược lên. Tôi lại gần và gọi: bác
Kazangap, bác Kazangap ơi, bác có muốn uống trà nóng để tôi pha cho nhé!