Nhưng thật khó mà tự tách chúng tôi ra khỏi Jim bên trong phòng bệnh
viện của Lynn khi anh ta thông báo rằng “chúng tôi” có một bài trình bày
dành cho chị. Chính Lynn cũng phải nhìn anh ta từ cái giường mênh mông
như đại dương của chị với vẻ mặt ở đâu đó giữa ngạc nhiên và ngờ vực. Tất
cả chúng tôi đều nín thở vì lo sợ câu mào đầu không thích hợp nào có thể
buột ra khỏi miệng Jim. Anh ta nhắc chị nhớ là dự án từ thiện đã từng yêu
cầu gì ở chúng tôi - mang đến cho bệnh nhân ung thư vú điều gì đó buồn
cười trong giây phút khó khăn của họ. Lần đầu tiên trong đời, anh ta không
gọi nó là dự án “tự thiến
”.
“Và không bắt quý vị phải chờ lâu thêm nữa,” anh ta vừa nói, với vẻ
khoa trương ngượng nghịu, vừa mở khóa cặp tài liệu màu đen và rút ra tấm
quảng cáo đầu tiên. Chúng tôi làm gì có lựa chọn nào khác ngoài nán lại?
Từ cuối giường chị, anh ta giơ tấm quảng cáo cao lên để mọi người có
thể nhìn thấy. Mỗi ý tưởng đã được dán vào tấm bảng đen với đường viền
rộng năm phân làm nó nổi bật hẳn lên. “Như mọi người có thể thấy,” anh ta
nói, “bức này diễn tả một hình ảnh quen thuộc về một tấm biển thường thấy
treo lơ lửng trong một bệnh viện hoặc một phòng khám phụ khoa, hình một
phụ nữ không rõ mặt đang tự kiểm tra ngực. Một cánh tay giơ lên trời và
gập lại ở khuỷu, trong khi bàn tay của cánh tay còn lại sờ nắn ngực bên trái
của cô ta.” Ai đó cười khẩy. Jim ngừng lại, khó chịu thấy rõ. “Đặt cạnh
hình ảnh này,” anh ta tiếp tục, “là dòng tít ‘Cô Clairol’ nổi tiếng. ‘Cô ấy
bị… hay cô ấy không bị?’ Và dòng phụ đề của chúng ta viết, ‘Một khối u
nhỏ đến nỗi chỉ bác sĩ chuyên khoa ung thư của cô ấy mới biết chắc chắn’!”
Chúng tôi theo dõi mặt Lynn để tìm phản ứng nào đó. “Cho tôi xem kỹ
hơn xem nào,” chị nói. Jim đưa bản quảng cáo lại cho chị. Chị cầm nó và
chúng tôi cảm thấy chẳng khác gì hơn khi ngồi trong phòng chị chờ đợi chị
kiểm tra và đánh giá rồi đưa ra phán quyết của mình về những bản quảng
cáo thực sự.