Tống Nho bảo cái gì không phải là lý thì là dục, rồi cho sự đói rét, kêu gào,
trai gái ai oán là nhân dục, bắt người ta tuyệt hết cả cảm xúc của tình dục,
như vậy là chịu ảnh hưởng của Phật, không hợp với nhân tình, trái với đạo
Khổng. Ông chê thuyết đó trái với Khổng, Mạnh.
“Thánh nhân trị thiên hạ tất thể tình của dân, an thoả lòng dục của người,
mà vương đạo mới tiến được”. Vì vậy mà Mạnh Tử mới muốn cho “nhà có
lẫm chứa lúa, người đi đường có đẫy chứa gạo”, “không có người con gái
nào oán hận vì không có chồng, không có người con trai nào không có vợ
mà phải ở suông”.
Không những vậy, ông còn mạt sát Tống Nho là làm hại luân lý nữa, vì:
“Lời nói (của họ) rất đẹp, nhưng dùng ra để trị người thì làm cái vạ cho
người… Sự phân biệt ra lý và dục khiến khắp mọi người đều biến ra trá
nguỵ cả. Cái vạ đó kể sao cho xiết?”.
Để chống cái hại đó, ông chia cái nguyên chất của tính ra ba: dục, tình và
trí. Cái đức của sự sinh sôi ra mãi là nhân. Trái với nhân là ác, hợp với nhân
là thiện. Tình mà quá hay bất cập là ác. Điều lý cho vừa phải, trúng tiết là
cái trí. Vậy chỉ cần trị cái bệnh tư vị và đừng để ý kiến riêng và tập quán
che lấp cái tâm. Cho nên ông nói:
“Người không có lòng riêng tư thì đúng với đức nhân, không bị cái gì che
lấp thì đúng với đức trí” (Nhân thả trí giả, bất tư bất tế giả dã
).
Mà muốn bỏ lòng riêng tư không gì bằng luyện lòng thứ, muốn trừ cái che
lấp thì không gì bằng học. Bỏ cái lòng riêng tư mà không trừ cái che lấp thì
là “hành” mà không “tri”; trừ được cái che lấp rồi mà không bỏ được lòng
riêng tư là “tri” mà không “hành”. Chủ trương của ông giống của Khổng: