một thứ đạo đức sáng suốt, đặt căn bản trên tri thức.
*
Tóm lại trong giai đoạn thứ nhất, năm nhà: Hoàng, Vương, Cố, Nhan, Đái,
chủ trương tuy khác nhau mà mỗi nhà đều hoặc ít hoặc nhiều “phá đổ
tường của Tống Nho, Minh Nho mà tiến thẳng vào cung đình Khổng,
Mạnh. Học thuyết của họ không sâu sắc, nhắm vào phần thực dụng, nhất là
Nhan và Đái, gần với công lợi chủ nghĩa của Âu Tây. Sở dĩ vậy là do thời
cuộc như trên chúng tôi đã nói.
Qua giai đoạn sau, mạt diệp đời Thanh, dân tộc Trung Hoa gặp nhiều nỗi
khó khăn, phải đối phó với sự xâm lăng của Âu Tây, càng không có thì giờ
phát huy những khu vực huyền vi của triết học, mà chỉ lo cải tạo chế độ
chính trị và xã hội. Học giả tuy đông, nhưng tư tưởng không có gì đặc biệt,
hầu hết là pha Khổng học với Âu học. Xuất sắc nhất là mấy thầy trò Khang
Hữu Vi.
Khang hữu Vi
– Ông mới đầu theo cái học của Lục, Vương, sau được đọc
những sách của Âu dịch ra tiếng Trung Hoa, đi du lịch khắp trong nước, rồi
mở trường dạy học, lập nên phong trào duy tân, được vua Quang Tự vời
vào triều chủ trương việc biến chính. Việc thất bại vì Tây Hậu không ưa,
đàn áp kịch liệt; ông cùng môn đệ là Lương Khải Siêu trốn qua Nhật, đến
khi Dân Quốc thành lập mới về nước.
Tư tưởng của ông gồm mấy yếu điểm: bình đẳng, bác ái và đại đồng;
nhưng tựu trung thuyết đại đồng mà ông phô diễn trong cuốn Đại đồng thư,
gồm cả hai thuyết kia: bình đẳng và bác ái.
Ông tin ở câu “Kỳ hoặc kế Chu giả, tuy bách thế khả tri giả” (Sau này
hoặc giả có nhà nào nối ngôi nhà Chu, thì việc lễ dù trăm đời sau cũng có
thể biết được) của Khổng Tử trong Luận ngữ. Ông cho 30 năm là một đời,