tính ra 100 đời sau Khổng Tử là 3.000 năm, sẽ có thánh nhân đựng lên một
chế độ mới; ông muốn làm vị thánh nhân đó và đưa ra chế độ đại đồng.
Từ đời Hán đã có ba triết thuyết về lịch sử:
- Triết thuyết ngũ đức (tức ngũ hành) của Trâu Diễn, đại ý là có năm triều
đại kế tiếp nhau, mỗi triều đại ứng vào ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ;
cứ hết năm triều đại là hết một vòng, rồi lại trở qua vòng thứ nhì.
- Triết thuyết tam thống của Đổng Trọng Thư: tam thống là hắc thống, bạch
thống, xích thống; ở triều đại hắc thống thì cái gì cũng nên dùng màu đen,
qua triều đại bạch thống thì nên dùng màu trắng, qua triều đại xích thống
thì nên dùng màu đỏ; hết ba thống là hết một vòng, lại trở qua vòng sau.
- Triết thuyết tam thế của Hà Hưu đời Đông Hán. Nguyên trong thiên Lễ
vận (Lễ ký) có một đoạn nói về thời tiểu khang và thời đại đồng (coi phần
V, chương XI). Hà Hưu đặt thêm ra một thời nữa, thời cứ loạn
, để xác
định sự tiến hoá của lịch sử từ loạn thế tới thăng bình thế, rồi tới thái bình
thế (do đó gọi là tam thế); ông cho thăng bình thế là thời tiểu khang trong
Lễ vận, coi thái bình thế là thời đại đồng.
Từ đó về sau, vài triết gia đôi khi nhắc đến thuyết tam thế, nhưng tin chắc
thì không ai bằng Khang Hữu Vi. Khang nghĩ sắp đến lúc nhân loại bước
vào thời đại đồng rồi, lúc đó mọi người sẽ bình đẳng, ai cũng có lòng bác
ái, coi thiên địa vạn vật là một (ta thấy ông còn chịu ảnh hưởng của Huệ
Thi, Trương Tái). Không ai còn khổ não nữa; và muốn sửa soạn cho thời
đại đó, ông đề nghị: phá ranh giới giữ các quốc gia; bỏ chế độ giai cấp; bỏ
quan niệm về chủng tộc; không phân biệt trai gái nữa, nghĩa là nam nữ
hoàn toàn bình đẳng; phá bỏ gia đình, bỏ tư sản; nông, công, thương không
còn chủ và thợ nữa; những cái gì bất bình, bất đồng, bất công, trừ tiệt; sau
cùng không phân biệt người và côn trùng, cầm thú nữa; được như vậy là
diệt được luôn cái khổ.