chuyển về chính trị nữa.
Dân số tăng lên (tổng số nhân khẩu thất quốc đời Đông Chu đã tới khoảng
20 triệu), chế độ điền địa hồi trước không còn hợp thời, nông dân cực khổ
quá, ta thán, oán trách bọn chủ nhân (bất giá bất sắc, hồ thủ tam bách triền
hề), thầm mong bãi bỏ chế độ “thực ấp”; và Thương Ưởng hiểu rõ xu thế tự
nhiên của thời đại, cho dân chúng tự do khai khẩn. Phương pháp canh tác
lại tiến bộ: người ta đã biết dùng bò kéo cày mà cày được sâu hơn, biết bón
phân, làm hai mùa, đào kinh dẫn nước và tháo nước. Sự khẩn hoang do đó
phát triển mạnh và hàng vạn người thành phú nông. Bọn này muốn khuếch
trương công việc thuỷ lợi, như vậy cần thống nhất đất đai, nhất là thống
nhất các nước nhỏ cùng trên một dòng sông.
Về phương diện thương mại cũng có những hiện tượng mới: những nơi như
Hàm Dương ở Tần, Lâm Tri ở Tề, Hàm Đan ở Triệu, Đại Lương ở Nguỵ
đều là những thành phố phát đạt về thương mại, dân chúng các nơi di cư
lại, thành một hạng thị dân. Bọn phú thương rất có thế lực, mua quan bán
tước được và bắt đầu tham gia chính trị, muốn phá bỏ những biên giới giữa
các nước chư hầu, để cho sự giao thông và thương mại khỏi bị trở ngại.
Sử còn chép những thương gia danh tiếng như Phạm Lãi, Đoan Mộc Tứ
(Tử Cống), Lã Bất Vi. Cuối thời Chiến Quốc đã có tiền vàng tiền bạc, dân
chúng đã ham buôn bán nên có câu: “Tòng bần cầu phú, nông bất như
công, công bất như thương”, đa số Pháp gia theo trào lưu, không ức thương
như Nho gia nữa. Trung Quốc lúc đó đã chuyển từ văn minh phù sa qua văn
minh thương mại.
Về văn hóa thì từ trước, hạng quý tộc vừa trị dân, vừa dạy dân (quân sư bất
phân, chính giáo hợp nhất), vì chỉ có họ mới được học; nhưng khi họ sa sút
mà thành bình dân thì trong giới bình dân bắt đầu có người học rộng.
Khổng Tử là hạng người đó; ông mở rộng phong trào tư nhân dạy học, bất
kỳ giới nào xin vào học, ông cũng nhận, và ông có công lớn trong sự khai