Tóm lại, ông là triết gia ôn hoà, có óc canh tân chứ không có óc cách mạng,
học rất rộng, tập đại thành những tư tưởng đời trước rồi phát huy thêm, mà
công lớn nhất của ông là mở phong trào dạy bình dân, tặng cho nhân loại
quan niệm “nhân ái”, cho dân tộc Trung Hoa quan niệm “trung dung” và vô
tình đã nêu lên nhiều vấn đề cho người sau, như vấn đề chính danh, tính
người… Sự dạy dỗ của ông chú trọng tới những điểm chính tâm, thành ý để
tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Từ đời Hán, nhất là từ đời Đường trở
đi, một số nhà Nho chỉ đề cao những đức hiếu, trung… một cách hẹp hòi đã
sai lạc hẳn học thuyết của ông.
Môn đệ của ông rất đông, có tới vài ba ngàn người, nhưng chỉ độ mươi
người có tài đức, như Nhan Uyên, Tử Hạ, Tăng Tử… Họ chép những lời
giáo huấn của ông thành bộ Luận ngữ, chính ông đã san kinh Thi, soạn kinh
Xuân Thu; còn những kinh khác thì hiện nay người ta ngờ rằng của người
đời sau viết, chứ không phải của ông .
MẶC TỬ
Có lẽ vào khoảng Khổng Tử mất (năm 479 tr. tây lịch) thì Mặc Tử, triết gia
cách mạng đầu tiên của Trung Quốc, ra đời. Sử không chép Mặc Tử có theo
học Khổng giáo không, nhưng ông sinh ở Lỗ thì chắc chịu ảnh hưởng của
Khổng. Ông làm quan ở Tống lâu năm, chắc cũng chịu ảnh hưởng của
Tống nữa. Nước Tống thời đó đã có thuyết kiêm ái và phi công (phản đối
chiến tranh), và hình như Tống Tương Công là người theo thuyết đó (coi
Phùng Hữu Lan – Sách đã dẫn, thiên I, chương V). Trang Tử phê bình Mặc
Tử: “Cái sáng suốt của Mặc, người ta có thể theo được, cái ngu của ông thì
không ai theo được”, cũng là nhận Mặc Tử chịu ảnh hưởng nhiều của Tống.
Vì người Tống bị người các nước khác chê là ngu; như Mạnh Tử bảo nước
Tống có kẻ thấy mạ chậm cao, mà nhớm nó lên; Hàn Phi Tử thì kể rằng