VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRIẾT HỌC TRUNG HOA - Trang 34

Ông chủ trương phải tán đồng ngược lên (thượng đồng), nghĩa là cái gì
người trên cho là phải thì người dưới cũng phải nhận là phải; cái gì người
trên cho là trái thì người dưới cũng phải nhận là trái; tóm lại là phải thống
nhất tư tưởng. Lý trưởng thuận chính lệnh của thiên tử mà thống nhất lẽ
phải trong xóm mình; hương trưởng lại thống nhất lẽ phải trong làng mà
tán đồng ngược lên với vua; vua lại đem dân trong nước mà tán đồng
ngược lên thiên tử; thiên tử lại tán đồng ngược lên Thượng đế. Như vậy
từng cấp một, dưới phải nghe trên, mà thiên tử vừa là một vị quân chủ, vừa
là một vị giáo hoàng. Kiêm ái và thượng đồng là hai điểm chủ yếu trong
học thuyết của họ Mặc. Có kiêm ái thì thượng đồng mới không đưa tới độc
tài, có thượng đồng thì kiêm ái mới không sinh ra loạn. Kiêm ái của Mặc
cũng như nhân của Khổng mà thượng đồng cũng như tôn ti của Khổng.

Vậy về chính trị, ông vẫn giữ chế độ phong kiến, rất trọng người hiền.
Cũng như Khổng Tử, ông cho rằng người cầm quyền phải có đức hạnh cao,
phải kiêm ái, phải quý nghĩa. Ông còn phản đối chiến tranh hơn Khổng Tử
nữa, mặc dầu vẫn bênh vực sự tự vệ; ông khác Khổng Tử ở chỗ không
trọng lễ, không trọng nhạc, vì cho những cái đó là xa xỉ, làm tốn tiền, mất
thì giờ của dân chúng. Ông muốn tiết dụng – ngay cả trong việc tang – vì
điều ông lo nhất là làm sao cho mọi người đủ ăn, đủ mặc đã. Tuân Tử chê
ông là bị cái “dụng” che lấp mà không biết cái “văn vẻ”, không biết đến mỹ
thuật. Nhưng theo Lưu Hướng trong sách Thuyết uyển, thì ông có nói với
Cầm Tử đại ý rằng trong năm đói kém, lúa gạo quý hơn châu báu; “phải
được thường ăn cho no rồi mới cầu cái ngon, phải được thường mặc ấm rồi
mới cầu cái đẹp, phải được thường ở yên rồi mới cầu cái vui, như vậy mới
lâu bền được, tóm lại là phải trong cái chất trước hết rồi mới đến cái văn,
việc của thánh nhân là thế”. (Thực tất thường bão, nhiên hậu cầu mỹ; y tất
thường noãn, nhiên hậu cầu lệ; cư tất thường an, nhiên hậu cầu lạc; vi khả
trường, hành khả cửu; tiên chất nhi hậu văn, thử thánh nhân chi vụ

[15]

-

Thiên Phản chất). Nếu lời đó đúng thì Mặc Tử không phải là chê hẳn mỹ
thuật, mà chỉ cho nó là phụ thôi .

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.