triết gia. Thời trước, Khổng Tử một phần vì bẩm tính dung hoà, một phần
vì không gặp người ngang tài với mình, nên không tranh biện với ai cả. Lão
Tử chủ trương nhường nhịn, nên chỉ trình bày học thuyết của mình, không
muốn thắng người. Duy có Mặc Tử là hăng hái hơn hết, đả đảo chính sách
trọng lễ, nhạc, tục để tang lâu năm và chôn cất xa xỉ của đạo Nho; do đó
gây phong trào tranh luận cho thời sau.
Trong thời này, người đại diện chân chính của Khổng giáo là Mạnh Tử. Về
phía Mặc giáo, có sự chia rẽ: Một nhóm như Tống Kiên
giữ đúng tinh
thần của Mặc Tử, cũng khắc khổ, bôn tẩu, hô hào mọi người quả dục, giúp
đỡ lẫn nhau để cứu loạn cho thiên hạ; một nhóm – nhóm gọi là Biệt Mặc –
phát huy thêm về tri thức luận, công kích phái Biện giả, bọn nguỵ biện mà
người sau gọi là Danh gia. Về phía Lão giáo, có Trang Tử tập đại thành
những tư tưởng của Dương Tử, Lão Tử và Huệ Thi (đồng thời với ông), lập
một học thuyết đặc biệt. Ngoài ra lại còn những phái Nông gia, Pháp gia và
Âm dương gia nữa.
---
MẠNH TỬ
Trước hết chúng tôi hãy xét về Mạnh Tử. Ông sinh ở nước Trâu, là môn đệ
của Tử Tư (cháu nội của Khổng Tử) theo dùng học thuyết của Khổng Tử
và phát huy thêm được vài điều quan trọng.
Ông vẫn muốn phục hồi chế độ phong kiến nhưng không tôn Chu, nghĩa là
không muốn lập lại cái uy thế cho nhà Chu nữa (có lẽ vì thấy rằng nhà Chu
suy quá rồi), hễ có một vị anh quân nào dùng đức nhân mà thống nhất được
thiên hạ thì ông cũng ủng hộ.
Ông cho rằng vua không đáng coi trọng bằng dân (dân vi quí… quân vi
khinh), tuy chưa cho dân cái quyền làm cách mạng – theo ông phải là một