Tương truyền vua Sở vời ông ra làm quan, ông không chịu, trái hẳn với
Khổng Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử. Nhân sinh quan của ông là tiêu dao, đừng
“đợi nương” có phú quí rồi mới sung sướng, đừng đợi nương có danh vọng
rồi mới thoả chí, cũng đừng đợi nương có ái tình rồi mới vui vẻ. Con người
sở dĩ khổ là vì cứ đợi nương cái này, đợi nương cái khác rồi mới thoả mãn;
đừng để sự tiêu dao của ta bị cái “đợi nương” đó (ông gọi là đãi) hạn chế,
thì mới thực là bậc chí nhân, tức như bậc thần nhân. Người “vô đãi”, “vô
cầu” mới thật là sướng. Quan niệm nhàn của phương Đông nguồn gốc ở
Lão, Trang, thứ nhất là ở Trang, và ảnh hưởng mạnh tới hầu hết các văn
nhân, học giả Trung Hoa. Trái lại, quan niệm tự do và bình đẳng tuyệt đối
của Trang sau này chỉ được một số người đề cao mà thôi.
---
BIỆT MẶC VÀ DANH GIA
Ở trên, chúng tôi đã nói Mặc học chia làm hai phái: một phái về tôn giáo
mà Tống Kiên là đại biểu – phái này không phát huy thêm được gì mới – và
một phái gọi là Biệt Mặc
có nhiều sáng kiến về tri thức luận, mà Hồ
Thích gọi là phái Khoa học.
Không rõ phái Biệt Mặc này gồm những nhà nào; đại để thì những tư tưởng
trong các thiên Kinh thượng, Kinh hạ, Kinh thuyết thượng, Kinh thuyết hạ,
Đại thủ, Tiểu thủ (Mặc kinh) là của họ.
Họ đã đặt cơ sở cho tri thức luận của Trung Hoa và xét về những vấn đề:
- Tri giác (gồm quan năng, cảm giác và tâm),
- Thời gian, không gian,
- Ký ức,
- Danh tự.