Phái đó, người sau gọi là Âm dương gia .
QUY VỀ MỘT MỐI
Tới thời kỳ thứ ba, ở cuối đời Chiến Quốc là bắt đầu giai đoạn quy về một
mối, nhờ Tuân Tử và Hàn Phi Tử.
----
TUÂN TỬ
Tuân Tử vốn là môn đồ Khổng giáo, nhưng chủ trương khác Khổng Tử và
có nhiều điểm chống lại Mạnh Tử. Ông học rất rộng, xét kỹ tất cả học
thuyết của các nhà khác mà châm chước theo ý mình.
Về những điểm chính ông vẫn theo Khổng: tôn quân quyền, trọng tôn ti, lễ
nghĩa, nhưng ông chủ trương tính ác, ngược hẳn với Mạnh Tử.
Ông bảo rằng: “Tính của người vốn ác, những điều thiện là người đặt ra”
(nhân chi tính ác, kỳ thiện giả, nguỵ dã
), vì người ta sinh vốn ham lợi,
đố kỵ, muốn thoả dục; thánh nhân đời trước biết vậy mới đặt ra lễ nghĩa để
uốn nắn lại tính của con người cho nó thành ra thiện.
Một điểm nữa khác với Khổng Tử và Mạnh Tử là ông tuy tin rằng có Trời,
nhưng cho đạo Trời không quan hệ gì với đạo người. Xã hội mà trị hay loạn
là do người cả. Trời có thể sinh ra lụt lội hoặc nắng hạn, nhưng đói rét là tại
người không biết đề phòng, không biết chống với tai nạn, chứ không tại
Trời. Vậy chẳng nên tranh chức vụ của Trời, mà chỉ nên chinh phục thiên
nhiên nữa: “Tôn Trời mà mến Trời sao bằng để cho vạn vật súc tích nhiều,
tài chế nó mà dùng?” (Đại thiên nhi tư chi, thục dữ vật súc nhi chế tài chi?
Tòng thiên nhi tụng chi, thục dữ chế thiên mệnh nhi dụng chi?
– Thiên
luận).