Đó là một tư tưởng rất tiến bộ, chống lại cả Mặc giáo, Lão giáo lẫn Âm
dương gia. Tiếc rằng học thuyết của ông đời sau không được phát huy
thêm, thành thử tinh thần chinh phục thiên nhiên không được nảy nở mạnh
ở Trung Hoa như ở Âu châu. Một số học giả bảo ông là triết gia đầu tiên
chủ trương duy vật là bảo ép. Có thể ông có vài tư tưởng giống với các nhà
duy vật Âu Tây nhưng tựu trung ông vẫn là duy tâm mà trong lịch sử triết
học Trung Hoa thời cổ chưa có sự phân biệt rõ ràng ra duy vật và duy tâm.
Vì tin rằng tính ác, ông phản đối tự do cá nhân, muốn khắc phục con người,
trọng lễ hơn nhân, đề cao sự tập quyền. Về điểm này ông ở vào khoảng
giữa Khổng Tử và các Pháp gia, cũng chống Lão, Trang, và có phần hơi
giống Mặc Tử.
Nhưng khi bàn về tâm, thì ông hợp với Mạnh Tử cho rằng người ta biết
phải trái là nhờ tâm; tâm muốn cho sáng suốt thì phải hư tĩnh. Theo truyền
thống của Khổng học ông trọng tri thức, ghét phái nguỵ biện; đề cao thuyết
chính danh nhưng không đứng riêng về phương diện đạo đức chính trị như
Khổng Tử mà còn đứng về phương diện lý luận, xét lẽ tại sao có danh, do
đâu mà có sự đồng dị, muốn chế danh thì phải sao; mà có những trường
hợp nào mà danh và thực hoá loạn. Tuy nhiên cái học của ông vẫn nghiêng
về nhân sinh: người biện luận phải phục vụ điều thiện, đạo nhân ái phải
theo một nguyên tắc chính đáng trịnh trọng mà ông gọi là long chính.
Có lẽ ông chịu ảnh hưởng ít nhiều của Mặc Tử nên đề cao đạo hợp quần
của nhân loại. Ông bảo: “Người ta sức không bằng con trâu, chạy không
bằng con ngựa, thế mà con trâu con ngựa đều bị người ta dùng được là sao?
Là tại người ta biết hợp quần”. Muốn hợp quần thì phải có trật tự, phân biệt
trên dưới. Đó cũng là một lẽ nữa để ông chủ trương tập quyền, hạn chế tự
do cá nhân.
Vì trọng đạo đức, ông ghét chính sách quyền mưu của bọn Pháp gia, vẫn