Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
Vài nét sơ lược về sự Phát triển của Triết học Trung Hoa
TỪ TẦN, HÁN TỚI ĐƯỜNG
ĐỜI TẦN, HÁN – NHO ĐƯỢC ĐỘC TÔN NHƯNG CHỊU ẢNH
HƯỞNG CỦA ÂM DƯƠNG GIA
Tần Thuỷ Hoàng diệt lục quốc rồi, bỏ hết chế độ cũ, tập trung quyền hành,
lập chế độ quân chủ chuyên chế
, dùng hình pháp mà trị thiên hạ, và
nghe lời tâu này của Lý Tư mà thống nhất tư tưởng: “Tôi (Lý Tư) xin phát
lệnh rằng: Sử quan thấy sách gì không phải là sách của nhà Tần thì đốt hết
cả. Sách gì không phải là quan bác sĩ được phép giữ mà trong thiên hạ chứa
giấu như Thi, Thư, cùng Bách gia ngữ, phải đem đến quan Thuỷ uý đốt hết.
Ai dám nói thầm với nhau sách Thi, Thư thì chém bỏ xác ngoài chợ, ai lấy
đời xưa để chê bai đời nay thì giết cả họ. Kẻ lại có thấy hoặc biết mà không
tố giác, đều phải chịu chung một tội. Lệnh xuống ba mươi ngày mà không
chịu đốt thì gọt đầu bôi đen bắt đi làm phu. Những sách để lại là sách
thuốc, sách bói, sách trồng cây. Ai muốn học pháp lệnh thì phải lấy kẻ lại
làm thầy”
Do đó có vụ chôn Nho và đốt sách. Sử chép 460 người phạm cấm, bị chôn
ở Hàm Dương, nhiều người khác bị đày ra ngoài biển.
Nhiều nhà cho rằng chính sách bạo tàn đó làm cho triết học Trung Quốc
suy. Nhưng cứ lấy lý mà xét thì nhà Tần giữ ngôi Hoàng đế không được
lâu: trước sau có 15 năm (-221 -206), mà từ đời Nhị thế (-209) trở đi, trong
nước lại loạn lạc, có thì giờ đâu mà tổ chức được quốc gia cho đàng hoàng,
thi hành được pháp lệnh cho triệt để; số nhà Nho và sách tất vẫn còn nhiều,
mà 460 người bị chôn đó chưa chắc thảy đã là Nho gia. Vả lại Tần chỉ
muốn thống nhất tư tưởng thôi, chứ không diệt bọn trí thức; tại triều đình
còn vẫn giữ kinh sách của các thời trước, ai muốn học thì vẫn có trường
dạy.