thích kinh Dịch, thành những bộ Vĩ thư (vĩ là những sợi ngang; đối với kinh
là những sợi dọc; ý nói sách đó giải thích những lời trong kinh) và Sấm thư
lập thành môn tượng số học. Tượng là những dấu để biểu thị sự vật, như
vạch liền — trỏ dương, vạch ngang đứt - - trỏ âm;
☰ trỏ trời, ☷ trỏ đất, ☲
trỏ lửa vì ở giữa có một khoảng trống, trống thì có không khí lửa mới cháy
được;
☵ trỏ nước vì ở giữa có một nét ngang liền, biểu thị nước vì nước
vốn không trống như lửa…
Con số cũng có ý nghĩa: chẳng hạn số 1 là trời, số 2 là đất. Số 1 là dương
mới sinh, số 3 là chính vị của dương… số 9 là lúc biến của dương; số 2 là
âm mới sinh, số 4 là chính vị của âm, số 6 là lúc biến của âm.
Họ lại đặt phương vị cho bát quái, như quẻ khảm ở phương bắc vì khảm là
thuỷ, phương bắc lạnh; quẻ ly ở phương nam vì ly là hoả, phương nam
nóng…; rồi ngũ âm, ngũ sắc, ngũ vị, ngũ tạng… đều được phối hợp với
ngũ hành.
Phái Tượng số đó mà Đổng Trọng Thư là kiện tướng cố gồm vũ trụ trong
một hệ thống âm dương ngũ hành khá chặt chẽ, thần tình; nhiều người phải
nhận nó là kỳ dị, có tổ chức đàng hoàng, như một lâu đài kiến trúc khéo léo
có cửa vào cửa ra, có tiền đường hậu sảnh, lối đi sáng sủa ngăn nắp, chỉ tiếc
lâu đài đó hoàn toàn xây dựng trên không trung, không có một cơ sở trên
thực nghiệm. Một điều lạ lùng là cái học tượng số đó, đến đời Tống càng
phát huy thêm nhờ một đạo sĩ, Trần Đoàn, rồi sinh ra những môn khoa học
huyền bí như Tướng, Số (Số tử vi, tử bình, hà lạc) và cho đến nay vẫn còn
ảnh hưởng về tâm lý đối với những người nào tin rằng có số mệnh.
Thời Tây Hán đã có một số người bất mãn về học thuyết của Âm dương
gia, bài xích phái Tượng số, muốn trở lại cái học đời Tiên Tần, trong số đó
có Lưu Hâm
, Dương Hùng, Vương Sung; nhưng họ vẫn không gột
được hết ảnh hưởng của phái Âm dương.