hiền cũng không cứu được; nước đến lúc hưng thịnh dù có kẻ ác cũng
không làm loạn được. “Sự an nguy của quốc gia tại số mệnh chứ không tại
giáo dục”(Quốc chi an nguy, tại số bất tại giáo
– Trị kỷ).
Như vậy, ông vẫn chưa thoát khỏi cái không khí dị đoan đương thời.
Khổng, Mạnh cũng tin có mạng, nhưng phải làm hết sức của mình rồi mà
kết quả không như ý mình đoán trước, lúc đó mới gọi là mạng, chứ không
như Vương Sung, coi mọi sự đã tiền định cả.
Về tính người, Vương cho rằng có người bẩm sinh ra thiện, có người bẩm
sinh ra ác, hạng trung bình thì có thiện lẫn ác. Ông dung hoà cả Mạnh,
Tuân và Dương Hùng: “Mạnh Kha nói tính thiện là nói cái tính của hạng
trung nhân dĩ thượng; Tuân Khanh nói tính ác là nói cái tính của hạng trung
nhân dĩ hạ; Dương Hùng nói tính hỗn tạp cả thiện lẫn ác, là nói hạng trung
nhân”.
Nhưng ông lại tin sự giáo hoá có thể biến ác thành thiện, cũng như “cỏ
bồng mọc chung với cây gai, chẳng cần phải đỡ, tự nó cũng thẳng”. Vậy thì
thuyết tính này với thuyết mệnh ở trên có mâu thuẫn với nhau chăng?
Học thuyết của Vương có chỗ khả thủ là “không trọng cổ, khinh kim”; đề
cao sự thực nghiệm. Trong sách Luận hành, mỗi khi lập luận ông đều lấy
sự thực để chứng minh. Ông bảo: “Sự mạc minh vu hữu hiệu; luận mạc
định vu hữu chứng”
(Việc không có gì rõ ràng bằng có công hiệu; luận
không có gì chắc bằng có chứng cớ). Ông rất chê thiên Minh quỷ của Mặc
Tử, cho rằng những dẫn chứng của Mặc vô giá trị; quỷ thần vốn không có.
Như vậy ông ông có tinh thần khoa học và tiến bộ hơn các triết gia đương
thời.
Tóm lại, đầu đời Hán không khí dị đoan cực thịnh, cuối đời Hán không khí
đó giảm đi, mà Khổng học hơi khởi sắc một chút .