Phật học nữa.
Tư tưởng Phật giáo có nhiều điểm khác tư tưởng Trung Hoa.
1. Phật học tuy có nhiều tôn phái, nhưng đại thể đều chủ trương “chư hành
vô thường, chư pháp vô ngã”, mọi sự vô thường (biến đổi luôn), mọi vật vô
ngã (bản ngã mọi vật là do ý thức vọng tạo), nghĩa là sự vật ngoại giới tự
tính (bản thể) nó như và chỉ vì tâm thức chúng sinh phân biệt cho nên vạn
hữu mới thành ra có sai biệt tướng. Nói một cách khác, theo giáo lý nhà
Phật, ngoại giới khách quan vẫn là hiện hữu, nhưng mỗi chủ thể chúng sinh
thấy nó một khác, nó không đồng dạng “như thế” cho hết thảy chúng sinh
(có nghiệp khác nhau). Và cái “có” trong hiện-tượng-giới đó vẫn chỉ là
“không” đối với cái vô-phân-biệt-trí của Phật. Người Trung Quốc trái lại từ
trước vẫn cho rằng có một ngoại giới khách quan nó đồng dạng như thế cho
hết thảy mọi người – nó có thật cho hết thảy mọi người – và một ngoại giới
chủ quan hiện trong tâm ta. Họ phân biệt hai vấn đề đó.
2. Phật học cho Niết bàn là tối cao cảnh giới, hoàn toàn tĩnh, vĩnh viễn bất
động. Người Trung Quốc trái lại trọng sự hoạt động; đừng nói Nho, Mặc
chủ trương hữu vi, ngay đến Lão, Trang, tuy chủ trương thanh tĩnh, nhưng
cũng không hề khuyên ta hoàn toàn bất động, mà chỉ khuyên hành động
phải hợp với luật tự nhiên.
3. Xã hội Ấn Độ có nhiều giai cấp mà luật lệ, phong tục về sự chia giai cấp
tới thời nay vẫn còn giữ tính cách rất nghiêm. Một giáo phái Ấn Độ cho
rằng có một hạng người không có Phật tính và vĩnh viễn không thành Phật
được. Trung Quốc thời xưa cũng như mọi xã hội cổ khác, có hai giai cấp
quí phái và nô lệ, nhưng từ cuối đời Xuân Thu, sự ngăn cách giữa hai giai
cấp đó đã giảm, và nhiều triết gia chủ trương rằng “ai cũng có thể thành
Nghiêu, Thuấn được” (tức thành thánh được), Ngay như Tuân Tử, người
khởi xướng tính ác, cũng bảo: “Người đi ngoài đường nào cũng có thể
thành ông Vũ”; nói chi tới Trang Tử, triết gia có tư tưởng bình đẳng nhất,