coi mọi vật đều ngang nhau, không phân biệt hơn kém.
4. Sau cùng Phật giáo có quan niệm luân hồi: sinh vật nào lúc sống có
những hành vi “thiện”, thì chết đi được đầu thai vào một loại cao hơn
(chẳng hạn từ loài sâu bọ tiến lên loài chó mèo, từ thường dân tiến lên giới
có tiền của, chức tước…), cứ tu hoài, tiến mãi thì rốt cục thành Phật. Quan
niệm đó, Trung Hoa không có; và các triết gia của họ cho rằng người nào
cũng có thể tiến ngay trong đời mình đang sống: “Làm như vua Nghiêu, nói
như vua Nghiêu thì thành vua Nghiêu liền”.
Vì những tư tưởng trái nhau đó, nên Phật học mới vào Trung Quốc, bị một
số người phản đối chê là “thuyết của bọn mọi rợ”, cũng như sau này cuối
đời Thanh, một số nhà Nho chê Âu học là dã man, là của tụi “bạch quỷ”.
Theo Tá Hoằng Minh, một vị sư đời Lương, thì nhà Nho thời đó đả kích
Phật là “tam phá”, nghĩa là phá nước, phá nhà, phá thân; phá nước vì đã
không sản xuất mà còn bắt dân cực khổ xây cất chùa chiền, làm cho nước
nghèo dân khốn; phá nhà vì làm cho cha mẹ anh em thờ phụng khác nhau,
con cái bỏ cha mẹ mà đạo hiếu mất; phá thân vì người xuất gia phải cắt tóc,
huỷ thương thân thể, lại không lập gia đình, nòi giống không truyền lại
được.
Nhà Phật đáp lại rằng những người xuất gia đều tu dưỡng để đạt đạo, cứu
vớt người khác, như vậy là hiển danh cha mẹ, không trái với hiếu, cũng
không trái với đạo cung kính với vua chúa; còn như bảo làm cho nước và
dân bị tiêu diệt thì không thể có được, vì có bao giờ mà dân cả một nước
xuất gia hết đâu. Như vậy ta thấy mới hồi đầu sự đả kích của Nho không
nhắm vào phần tư tưởng.
Đến đời Nam Bắc triều, vẫn còn nhiều người kịch liệt công kích Phật học,
như Phạm Chẩn. Ông viết thiên Thần diệt luận, để phản đối thuyết Thần
bất diệt của đạo Phật. Đại ý Phạm Chẩn bảo: “Hình là cái chất của thần,