ác. Tới đây ta thấy Hoa và Ấn đã nắm tay nhau rồi .
ĐỜI ĐƯỜNG – PHẬT GIÁO TOÀN THỊNH
Tới đời Đường, sự kết hợp Ấn – Hoa càng thêm chặt chẽ mà Phật giáo toàn
thịnh. Luôn ba thế kỷ, dân tộc Trung Hoa được tạm yên ổn, nhờ vậy văn
hóa phát huy rất mạnh.
Qua thời loạn rồi, Nho giáo thích hợp với chế độ quân chủ, lại được trọng,
có lẽ còn hơn đời Tây Hán nữa. Năm 637, vua Thái Tôn nhà Đường tôn
Khổng Tử làm Tiên thánh, Nhan Hồi làm Tiên sư, cùng thờ với Chu Công
ở nhà Thái học. Năm 739, vua Huyền Tôn xuống chiếu truy thuỵ Khổng Tử
là Văn Tuyên Vương, nhưng Nho học thì lại chỉ thịnh về mặt văn chương
và khoa cử, còn về mặt tư tưởng rất sút.
Hại nhất là chế độ khoa cử. Đời Tần, Hán chưa có khoa cử, các quận huyện
đều cử người có tài, có đức để trị dân. Đời Tuỳ bỏ lệ đó mà dùng khoa cử
để lựa người. Nhà Đường tiếp tục chính sách nhà Tuỳ. Muốn đỗ để làm
quan, kẻ sĩ chỉ trọng lối chú sớ, nghĩa là chỉ cần học thuộc lòng những lời
chú thích của các nhà Nho đời Hán, không cần suy xét nghĩa lý. Các kinh
thời đó được chia làm ba hạng: đại kinh là Lễ ký, Xuân Thu, Tả truyện;
trung kinh là Thi, Chu lễ, Nghi lễ; tiểu kinh là Thư, Dịch, Công Dương
truyện, Cốc Lương truyện. Tứ thư (Luận ngữ, Trung dung, Đại học, Mạnh
Tử), sau này tới đời Tống mới được đề cao ngang hàng với các kinh.
Trong khi Nho chỉ chủ trương về khoa cử, Lão chỉ chú trọng vào việc tu
tiên, vào bùa phép thì Phật nhân cái đà ở đời Lục triều, mỗi ngày một phát
triển thêm, một phần vì các nhà trí thức thấy Nho học cằn cỗi quá, mà Phật
cống hiến được nhiều tư tưởng mới mẻ; một phần vì Phật giáo có những vị
đại tài, kiên nhẫn học hỏi để phát huy thêm đạo của mình, như Huyền