luận là “vô ngã”. Tôn này xuất hiện sau cùng, có địa vị tương phản với tôn
trên.
Tam luận tôn – Căn cứ vào Trung quan luận, Thập nhị môn luận của Long
Thụ, vào Bách luận của Đề Bà. Chủ ý là phá trừ tà chấp để làm rõ chính
quan (quan niệm chính xác), một mặt đả phá tà kiến của ngoại đạo mà làm
rõ chính đạo của đại thừa, tiểu thừa; một mặt đả phá mê chấp của đại thừa,
tiểu thừa để làm rõ nghĩa lý chân xác trong hai phái đó. Cưu Ma La Thập
có công dịch kinh và tuyên truyền cho Tam luận tôn, được người sau coi là
ông tổ đầu tiên của tôn đó ở Trung Hoa. Tới đời Đường nhờ Cát Tạng phát
huy thêm mà Tam luận tôn rất thịnh.
Thiên thai tôn – Ba tôn trên đều gốc ở Ấn Độ, tôn phái Thiên thai hoàn
toàn do Trung Quốc sáng tạo. Sở dĩ có tên đó là vì sơ tổ của phái đó, Trí
Giả đại sư, tu ở núi Thiên Thai. Trí Giả đại sư căn cứ vào Hoa Nghiêm
kinh. Châm chước Trí độ luận, Niết bàn kinh và Đại phẩm kinh mà lập
giáo. Vũ trụ cực kỳ phức tạp nhưng mọi vật đều do nhân và duyên tạo
thành; nhân và duyên đã phân tán thì không còn gì hết. Vạn vật cứ sinh sinh
diệt diệt mà không có thực tại, cho nên gọi là “không”. Những vật trong vũ
trụ đó, người ta đặt tên ra để phân biệt; vật đã “không” thì cái tên của nó là
“giả”. Hễ ta ly khai được hai quan niệm “không” và “giả” đó, mà có quan
niệm “phi không”, “phi giả” (không phải là “không”, không phải là “giả”),
thì là hợp với nghĩa lý.
Thiên thai tôn khuyên ta khi tu luyện, tảo trừ những vọng niệm về nhân,
duyên; để có cái “không quan” (quan niệm mọi vật là “không”); rồi lại xét
xem những vọng niệm đó ở đâu mà ra, sẽ thấy nguyên do đều tại cái “danh
giả” còn ở trong lòng ta mà gây ra những vọng niệm đó; tảo trừ được “giả
quan” đó thì sẽ giác ngộ được sự “phi không, phi giả”, lúc đó sẽ có “trúng
quan”, nghĩa là quan niệm đúng. Vậy trước sau có ba quan niệm: không,
giả, trúng; cho nên gọi là “nhất tâm tam quan” (một cái tâm mà có ba quan
niệm). Tóm lại tôn phái Thiên thai điều hoà hai phái “hữu” và “không”; chủ