phương diện triết học mà đứng về phương diện chính trị, xã hội để xét ảnh
hưởng của Phật giáo, rồi đâm lo cho tương lai quốc gia: chùa Phật mọc lên
nhiều quá, nhiều chùa có đất cát rất rộng; bọn điền chủ lớn muốn gian thuế,
gửi ruộng cho nhà chùa quản lý giùm; bọn tráng đinh muốn trốn lính cũng
gửi thân cửa Phật, như vậy nước sẽ phải nghèo và yếu. (Sử chép trong nước
có tới hai triệu tăng ni, mà điền sản của họ chiếm tới 1/3 toàn quốc). Đó là
một nguyên nhân thúc đẩy Hàn Dũ chống lại Phật giáo, nhưng về già hình
như ông lại theo Phật mà ân hận về những hành vi thời trước của mình.
Một mặt ông công kích Phật giáo; một mặt ông đề cao Nho giáo, viết
những thiên Nguyên tính và Nguyên đạo.
Tư tưởng không có gì mới. Về tính, ông theo thuyết của Vương Sung, chia
làm ba hạng: thượng (hoàn toàn thiện), hạ (hoàn toàn ác) và trung (có thể
hoá thiện mà cũng có thể hoá ác). Về đạo, ông trọng nhân và nghĩa.
Nhưng ông có công đề cao Mạnh Tử và khuyên các học giả chú ý tới sách
Đại học. Cho tới đời Tuỳ, Mạnh Tử và Tuân Tử vẫn được trọng ngang
nhau, tới Hàn Dũ người Trung Hoa mới xa Tuân mà gần Mạnh. Trong thiên
Nguyên đạo, Hàn bảo chỉ có Mạnh Tử mới được cái chính truyền của
Khổng Tử.
“Khổng Tử lấy đạo ấy – tức đạo nhân nghĩa, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ -
truyền cho Mạnh Kha; Mạnh Kha chết rồi thì đạo ấy đã thất truyền. Tuân
Huống, Dương Hùng học đạo mà chẳng tinh, nói đạo mà chẳng tường”.
Nhờ ông mà tới đời Tống, Mạnh Tử được vua Thần Tôn phong làm Châu
Quốc Vương, thờ chung với Khổng Tử.
Sách Đại học vốn là một thiên trong Lễ ký, từ Hán tới Đường, chẳng ai để ý
tới cả. Hàn Dũ đặc biệt đề xuất những thuyết “minh minh đức”, “chính
tâm”, “thành ý” trong đó để trách người đương thời và ngầm chê Lão, Phật.