Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
Vài nét sơ lược về sự Phát triển của Triết học Trung Hoa
TỪ TỐNG TỚI THANH
TỐNG NGUYÊN, MINH - NHO GIÁO PHỤC HƯNG VÀ CHUYÊN
VỀ ĐẠO HỌC
Từ đời đầu vãn Đường (823-907), Trung Hoa bị nạn hoạn quan và loạn lạc
liên miên, tình cảnh dân chúng rất cực khổ. Nhà Hậu Lương chiếm ngôi
nhà Đường, mở màn cho thời Ngũ Đại (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn,
Hậu Hán, Hậu Chu), thời mà các anh hùng chiếm cứ mỗi người một nơi,
tranh giành nhau thế lực.
Cũng may thời đó chỉ kéo dài khoảng 50 chục năm, rồi Tống Thái Tổ thống
nhất được đất đai. Trung Hoa lúc này sức đã yếu, rán giữ độc lập được ba
thế kỷ (960-1279), nhưng thường bị rợ Liêu, Kim, Nguyên uy hiếp.
Tuy nhiên, nhờ được tương đối yên ổn trong một thời gian khá dài, mà văn
hóa đời Tống phát triển đến cực độ. Nghề khắc chữ đã tiến, thư viện tạo lập
được nhiều, văn học không kém đời Đường, nhưng mỹ thuật như tranh vẽ,
đồ sứ… hơn cả các thời trước và sau, mà triết học cũng tiến tới cái mức
huyền vi thâm thuý.
Nói “triết học” chứ sự thực chỉ có Nho giáo là phục hưng, còn Phật và Lão
thì suy luôn. Mà Nho sở dĩ phục hưng được là vì các triết gia của họ có chí
tự cường chống lại Phật. Muốn chống lại Phật thì phải đả kích Phật trên
khu vực của Phật, nghĩa là phải bỏ phạm vi chính trị, thực tế của Nho mà đi
sâu vào phạm vi đạo lý huyền nhiệm của Phật, thành thử muốn phản lại
Phật mà rốt cuộc người ta chịu ảnh hưởng rất sâu của Phật và Lão.
Người ta chú trọng đến vũ trụ luận, bàn đến đạo, đến tính, đến lý, đào thêm
cái thuyết thiên địa vạn vật nhất thể, dung hoà Khổng và Lão.