a. Các nhà mở đường: Chu Đôn Di, Thiệu Ung, Trương Tái, hai anh em họ
Trình: Trình Hạo và Trình Di;
b. Chu Hi tập đại thành và gây phong trào Lý học;
c. Lục Cửu Uyên mở đường cho Tâm học, mà người kết thúc phong trào là
Vương Dương Minh.
Chu Đôn Di
dùng Thái cực đồ của Đạo gia (tức phái Lão từ Hán về sau,
xin đừng lộn với Đạo học đời Tống, Minh) để giảng vũ trụ, chứ không phải
để giảng phép tu luyện như các đạo sĩ. Ông chịu ảnh hưởng của Lão ở điểm
đó. Ông cho rằng thái cực sinh vạn vật. Thái cực động mà sinh dương,
động rồi tĩnh, tĩnh mà sinh âm, tĩnh cực rồi lại động, cứ như vậy hết động
đến tĩnh hết tĩnh đến động. Dương biến âm hợp mà sinh ngũ hành (ông
cũng gọi là ngũ khí) rồi sinh vạn vật.
Vạn vật bẩm thụ cái lý của thái cực, cái tính của ngũ hành. Lý hoàn toàn
thiện, cho nên tính người cũng vốn thiện, vốn “thành” (thành đây tức là chữ
thành trong “chí thành”, “thành tâm”).
Do đó, về phương diện tu dưỡng, ông đề cao đức “thành” trong Trung
dung, và muốn “thành” ông khuyên ta phải vô dục tức là tĩnh, có tĩnh thì
mới sáng suốt, có vô dục mới “thành”.
Ta nhận thấy ông chưa phân biệt rõ lý và tính. Lý của thái cực toàn thiện,
còn tính của ngũ hành có toàn thiện không? Con người bẩm thụ cái lý của
thái cực, thế có bẩm thụ cái tính của ngũ hành không? Ông chưa trả lời
những câu đó.
Thiệu Ung
lớn hơn Chu ít tuổi, cũng giảng về thái cực. Vũ trụ phát sinh là
do thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi
(âm, dương), lưỡng nghi sinh tứ
tượng (thái dương, thiếu dương, thái âm, thiếu âm), tứ tượng sinh bát