Về luân lý, phép tu dưỡng, người ta đưa những chủ trương dưỡng tâm, tồn
tính rất cao xa cốt tạo nên những ông thánh mà bỏ quên sự giáo dục hạng
trung nhân. Không như Khổng Tử, người ta đã cách biệt với quần chúng,
thành thử học thuyết tuy huyền vi mà kém thực dụng. Đó là sở trường mà
cũng là sở đoản của Đạo học từ Tống tới Minh.
Tuy nhiên, thời Bắc Tống, cũng có một số Nho gia nghĩ đến tình cảnh suy
nhược của dân tộc, muốn dùng sở học để làm cho nước cường dân mạnh,
như Tư Mã Quang, Lý Cấu, Tô Thức, Vương An Thạch… Tư Mã và Tô thì
thủ cựu, theo đúng chính sách của Khổng; Lý thì chủ trương về công lợi;
Vương có nhiều sáng kiến và hùng tâm hơn hết, muốn làm một cuộc cải
cách lớn lao về giáo dục, xã hội, kinh tế, chính trị như Quản Trọng thời
Xuân Thu; tiếc rằng bị phái thủ cựu công kích quá, - mà phái này rất mạnh
ở triều đình cũng như ở thôn dã -, nên không thực hiện được gì cả. Những
nhà đó là chính trị gia, về triết học không phát huy thêm được gì, và dưới
đây chúng tôi chỉ giới thiệu tư tưởng của những nhà Đạo học.
Phong trào chia làm ba thời kỳ:
Thời kỳ thứ nhất, các triết gia chưa có khuynh hướng chung rõ rệt, duy lý
hay duy tâm; đặc biệt có Trương Tái chủ trương khí là bản căn của vạn vật,
mở đường cho phái Duy khí có ảnh hưởng lớn ở đời Thanh.
Thời kỳ thứ nhì, cuối Tống, kể từ Chu Hi, người ta bàn về đạo lý nhiều
hơn, nên gọi là thời kỳ Lý học.
Thời kỳ thứ ba, đời Minh, người ta bàn đến tâm nhiều hơn, nên gọi là thời
kỳ Tâm học. Tất nhiên giữa các thời kỳ không có sự đứt quãng một cách
đột ngột.
Số triết gia rất đông, chúng tôi chỉ xét những vị danh tiếng nhất: