Vậy ý, tình, chí, đều thuộc về tâm cả, tâm mà chính thì ý, tình, chí đều
chính. Ta thấy học thuyết của ông đầy đủ hơn hết thảy các nhà trước mà có
hệ thống chặt chẽ.
Về phương diện tu dưỡng, tất nhiên ông cho sự chính tâm là quan trọng.
Mà muốn chính tâm thì phải kính, phải chuyên nhất, phải tĩnh, để giữ cho
tư ý đừng phát ra, giữ cho tâm khỏi phóng túng. Ông rất trọng sự tĩnh toạ,
nhưng ông phân biệt tĩnh toạ và thiền toạ của đạo Phật. Thiền toạ nhập định
là cứ ngồi yên lặng không nghĩ ngợi gì cả; còn tĩnh toạ là ngồi yên, lấy sự
kính mà giữ cái tâm cho sáng suốt, hầu đối phó với sự vật cho hợp lý. Như
vậy Phật hoán tĩnh cái tâm để thành không không, còn ông hoán tĩnh cái
tâm để cho nó soi sáng các sự lý.
Và ông rất trọng sự soi sáng sự lý, tức sự cùng lý. Về điểm này, rõ ràng là
ông chịu ảnh hưởng của Trình Y Xuyên. Ông bảo: “Cùng lý là muốn biết
cái sở dĩ nhiên của sự vật với cái sở đương nhiên của sự vật mà thôi. Biết
cái sở dĩ nhiên, cho nên cái chí không mê hoặc, biết cái sở đương nhiên,
cho nên việc làm không lầm lẫn”.
Sau cùng, cũng như Y Xuyên, ông bàn đến tri và hành. Tri là quan trọng,
mà hành còn cần thiết hơn nữa: “Học cho rộng chưa bằng biết cho rõ, biết
cho rõ chưa bằng làm cho thực. Tri và hành hai cái cùng phải có, như có
mắt mà không có chân thì không đi được, có chân mà không có mắt thì
không thấy gì. Luận trước sau thì tri là trước, luận nặng nhẹ thì hành là
nặng. Lúc mới biết mà chưa làm được thì cái biết còn nông, đến khi đã làm
được thì cái biết lại sáng hơn thêm và có cái ý vị khác ngày trước”. Tư
tưởng của ông có phần đúng hơn Trình Y Xuyên. Quả thật ông là một nhà
Nho xuất sắc đời nhà Tống.