vào cõi siêu việt, mà cho các hiện tượng trong vũ trụ không ngoài cái tâm
của ta. Ngoài cái tâm ra thì không biết được có cái gì hay không. Dù trời
đất vạn vật không phải là như ta biết, nhưng ta có cái tâm để tưởng đến, thì
những điều ấy là có thật rồi. Cái tâm của ta đã có thì trời đất vạn vật phải
có, mà trời đất vạn vật cùng với cái tâm của ta là một. Dương đã giải thích
câu: “Vũ trụ tiện thị ngô tâm, ngô tâm tiện thị vũ trụ” của Lục như vậy, và
đã đặt học thuyết của Lục lại gần đạo Phật hơn nữa.
Tuy nhiên tâm học chưa thịnh ngay. Lục Cửu Uyên mất năm 1192. Từ đó
đến cuối đời Tống (1279), phái của Chu Hi vẫn có phần thắng thế.
Rồi Trung Hoa bị Mông Cổ chiếm, trong 80 năm (1280-1360), Hứa Hành
đem cái học của Chu truyền bá phương Bắc, làm lãnh tụ các nhà Nho; mà
thế lực của Chu càng mạnh.
Năm 1368, dân Trung Hoa thu hồi được nền độc lập, mà hùng cường được
trong sơ diệp (1368-1436) đời Minh, rồi suy lần cho đến khi Mãn Thanh
chiếm nước (1616). Chu phái vẫn tiếp tục thịnh; mãi đến giữa thế kỷ XV,
tâm học mới lại phục hồi và đến đầu thế kỷ XVI, nó phát huy đến cực điểm
nhờ Vương Thủ Nhân (Dương Minh).
Vương Thủ Nhân
– Hồi trẻ ông ham võ nghệ, rồi theo đuổi từ chương, mê
việc tu tiên, ham đạo Phật, sau cùng trở về Nho. Trong mấy chục năm ông
thắc mắc đi tìm chân lý, bất mãn về cái học “cách vật trí tri” của Chu Hi,
thường tĩnh toạ để suy nghĩ, một đêm ông hốt nhiên tỉnh ngộ rằng tâm học
là con đường chính. Từ đó ông tôn Lục Cửu Uyên làm thầy.
Trong bài tựa cuốn Tượng Sơn
tiên sinh toàn tập, ông viết: “Cái học
của thánh nhân là cái tâm học… Chia tâm với lý làm hai, thì cái tinh nhất
của học mất đi. Các nhà Nho ở đời chi ly đi tìm cái đạo ở ngọn là hình,
danh, khí, số để làm sáng cái họ gọi là vật lý, mà không biết rằng lòng ta
tức là vật lý đó”.