Ông chủ trương cũng như Lục rằng dời tâm ra thì không có vật. “Tâm tức
là đạo, đạo tức là trời, biết tâm thì biết đạo, biết trời… Nó thiêng liêng sáng
suốt, vạn lý vật sự đều ở gốc đó cả” (Tâm tức đạo, đạo tức thiên, tri tâm tắc
tri đạo, tri thiên… Hư linh bất muội, chúng lý cụ nhi vạn vật xuất. Tâm
ngoại vô lý, tâm ngoại vô sự
Giữ cái tâm cho thuần nhiên hợp thiên lý, là thiện; đem tư dục vào làm mất
thiên lý là ác. Vậy công phu học tập là loại bỏ được cái tư dục nó che lấp
cái tâm, cởi được cái tập tục nó làm hại cái tâm, thì tâm tự nhiên lại sáng ra.
Khi cái tâm đã sáng thì cứ theo nó mà hành động, đừng câu nệ một chút gì
cả. Dẫu là lời của thánh hiền, đem đối chiếu vào tâm mình mà tâm mình
cho là không phải thì cũng không chấp nhận; dẫu là lời của kẻ tầm thường,
đem đối chiếu với tâm mình mà tâm mình cho là đúng, thì cũng không dám
lấy làm trái.
Những ý đó đại để là của Lục Cửu Uyên, Vương chi có công diễn ra mạnh
hơn và rõ hơn thôi.
Sự phát minh của ông ở hai điểm dưới đây:
1. Cách vật trí tri – Bốn chữ này gốc trong sách Đại học. Chu Hi giảng là:
“Xét kỹ mọi vật để tìm cái lý của nó”, làm cho nhiều người hoang mang, cứ
đuổi theo sự vật mà tìm đạo lý. Vương Dương Minh vì chủ trương tâm học,
hiểu theo một nghĩa khác: “cách vật” là làm cho chính đáng cái sự, cái ý,
nghĩa là làm điều thiện, tránh điều ác; còn “trí tri” là khuếch sung đến cùng
cực cái lương tri của mình.
Lương tri là cái linh giác của tâm, không học mà biết, không nghĩ mà hiểu,
nhờ nó mà tự nhiên ta biết thế nào là thiện, thế nào là ác. Mà sở dĩ vậy cũng
là vì cái tâm của ta thiêng liêng sáng suốt.