Ở phương Tây đại diện có William Clifton Dodd với cuốn The Tai race: the
elder brother of the Chinese (Chủng Thái: anh cả của người Trung Hoa,
1923); Izui Hisanosuke viết bài “On the song of the Yueh” (“Về bài hát Việt
Nhân Ca”, 1953); Nai Likhit Hoontrakul Hoontrakul có cuốn The history
records of the Siamese- Chinese relations (Các ghi chép lịch sử về mối quan hệ
Siam và Trung Hoa, 1953); Edward H. Schafer với The empire of Min (Đế
quốc Mân, 2006) v.v. Nhìn chung, xu hướng nghiên cứu chính vẫn là các vấn
đề đương đại, tập trung ở yếu tố cộng đồng người Hán Hoa Nam đã hình thành
và phát triển như thế nào, văn hóa Hoa Nam đã hấp thu văn hóa Hán như thế
nào, hoàn toàn không lấy Bách Việt làm đối tượng nghiên cứu.
Tại Nhật Bản, giai đoạn 1951 – 1975 đã công bố 17 bài viết, tiêu biểu có
“Việt tộc trong văn minh Trung Quốc cổ đại” của Goto Kinpei; “Nghiên cứu
mộ táng nước Nam Việt thời Hán” của Machida Akira; “Văn hóa Ngô Việt cổ”
của Ichikawa, Kenjiro, v.v.. Tuy nhiên, các tác giả chỉ quan tâm vào các vấn đề
cụ thể, không thể hiện rõ quan điểm về mối quan hệ văn hóa giữa Bách Việt và
các tập đoàn khác.
Ở Thái Lan, sự có mặt của cuốn Chủng Thái – anh cả của người Hán (nêu
trên) của William Clifton Dodd [1923] được in lại bằng tiếng Thái Lan và sự ra
đời của cuốn The history records of the Siamese-Chinese relations (Các ghi
chép lịch sử quan hệ người Xiêm và Hán) của Nai Likhit Hoontrakul
Hoontrakul (1953) ở Bangkok đã gây nên một làn sóng tìm hiểu cội nguồn
người Lào-Thái-Shan trong các thập niên 1950 về sau. Cũng trong giai đoạn
này, các phát hiện khảo cổ ở vùng bắc-đông bắc Thái Lan đã được ứng dụng
vào nghiên cứu, góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc Bách Việt (nhánh Tây Việt –
thuật ngữ của chúng tôi) của người Thái Xiêm, Thái Lự, Thái Yong, Thái
Yuan, Thái Hkun (Thái Lan), người Shan (Miến Điện), người Lào, Lào-Thái
(Lào Isan), Thái, Tày, Nùng (Việt Nam), Thái Khamti và Thái A-hom (Ấn Độ)
và Thái Vân Nam (Trung Quốc). Các tác giả tiêu biểu có Trưng Bằng [1993:
12], Trịnh Trương Thượng Phương, Sai Kam Mong [2004] v.v.. Nhóm tư liệu
nghiên cứu cổ sử nhóm dân tộc Shan-Thái này rất có ý nghĩa trong nghiên cứu
của chúng tôi, nhất là ở mối quan hệ nguồn gốc chủng tộc và văn hóa giữa hai
vùng Lĩnh Nam và cao nguyên Vân-Quý.