phận của Lĩnh Nam này với văn hóa truyền thống ở Việt Nam, góp phần làm
sáng tỏ căn nguyên văn hóa nước nhà.
Việc dựng lại nội dung, diện mạo và tính chất của văn hóa truyền thống ở
Việt Nam phải đặt trong bối cảnh chung của vùng Lĩnh Nam. Đây là điểm
nhấn mạnh và là mấu chốt của mối quan hệ văn hóa Bách Việt – Việt Nam tính
theo chiều dài lịch sử. Lĩnh Nam là một phần hữu cơ của văn hóa Bách Việt,
nó vừa là chiếc nôi hình thành khối văn hóa này, nơi chứng kiến sự phân lập
đông, tây của văn hóa Bách Việt vừa là nơi hội tụ của các dòng văn hóa trong
và ngoài Bách Việt ở các giai đoạn hậu phân lập. Trong nhiều thiên niên kỷ của
quá trình phân lập rồi dung hợp văn hóa ấy, văn hóa truyền thống ở Việt Nam
được phôi thai và hình thành, tự thân nó có mang hệ thống các giá trị chung
của họ Bách Việt, song lại thể hiện những “tư chất riêng” của một nhánh văn
hóa Bách Việt được tôi luyện qua những gian nan của quá trình lịch sử – xã hội
khắc nghiệt. Rõ ràng, việc nghiên cứu, tìm tòi căn nguyên văn hóa Việt Nam
không thể không đặt trong bối cảnh văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam.
Trong suốt thời gian lịch sử đằng đẵng ấy, văn hóa truyền thống ở Việt Nam
sớm mang vào mình một thân phận lịch sử đặc biệt, cùng chen vai sát cánh với
các dòng văn hóa Bách Việt ở Lĩnh Nam khác để chống lại sự xâm nhập và
thay thế của văn hóa phương Bắc. Văn hóa Bách Việt ở Việt Nam truyền thống
đã thực hiện thành công sứ mệnh ấy, trong khi các dòng văn hóa cùng truyền
thống ở nhiều nơi khác lại thất bại. Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đặt vấn đề
dưới góc nhìn so sánh để tìm các yếu tố mang tính bản sắc của văn hóa truyền
thống ở Việt Nam.
3.2. Do tính chất, yêu cầu của nội dung và đối tượng nghiên cứu, chúng tôi
tiến hành hạn định đối tượng theo không gian, thời gian, chủ thể.
Về không gian, chúng tôi tập trung vào dải đất từ Nam Dương Tử xuống đến
Bắc Đông Dương của khu vực Đông Á, nơi sinh nhai của tổ tiên Bách Việt.
Trong quá trình phân tích, chúng tôi lấy vùng đất này làm tiêu điểm, tiến hành
khảo sát thông qua so sánh với khu vực phía bắc (văn hóa Hoa Hạ-Hán), khu
vực phía nam (phần còn lại của Đông Nam Á cổ). Những dãy núi cao ở phía
tây nối liền với cao nguyên Thanh Tạng tự thân nó đã làm bức tường chắn