Hán thắt chặt chính sách cai trị; (b) thời kì văn hóa Hán du nhập mạnh mẽ, tính
từ sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến trung kì thời thuộc Đường; và
(c) thời kì phân lập văn hóa người Việt, tính từ trung kì thời thuộc Đường đến
hết thời Bắc thuộc.
Không gian văn hóa chung là đồng bằng sông Hồng–sông Mã, còn các vùng
núi, trung du phía Bắc, vùng núi Thanh-Nghệ-Tĩnh làm ngoại diên. Vịnh Hà
Nội bị đẩy lùi dần ra vịnh Bắc Bộ do phù sa bồi đắp và mực nước biển rút đi.
Sản xuất phát triển, lượng cư dân ngày càng đông đúc. Một bộ phận người Tân
Lạc Việt phải lên rừng hoặc định cư ở rìa đồng bằng. Trong khi đó, cư dân
Tày-Thái vẫn làm chủ các thung lũng và miền núi phía bắc và tây bắc.
Trong các phân tích dưới đây chúng tôi chỉ dựa vào thời gian và chủ thể văn
hóa là chính, chủ yếu là xoay quanh các biến động văn hóa Tân Lạc Việt dẫn
đến kết quả của sự phân lập văn hóa người Việt.
a. Thời kì tiếp xúc và tranh chấp với văn hóa Hán
Thời kì này khởi đầu bằng sự kiện Triệu Đà thôn tính Âu Lạc, sát nhập vào
Nam Việt. Văn hóa Tân Lạc Việt giao lưu mạnh mẽ với văn hóa các tiểu vùng
Nam Việt và Âu Việt. Nam Việt vương Triệu Đà chủ trương chính sách Việt
hóa Bắc tục, tự xưng là Nam Man đại trưởng lão, do vậy văn hóa Tân Lạc Việt
chưa bị biến đổi nhiều. Năm 111 trCN, tướng Lộ Bác Đức triều Tây Hán diệt
Nam Việt, chính thức quá trình cai trị và đồng hóa ở Lĩnh Nam. Văn hóa Tân
Lạc Việt bắt đầu quá trình giao lưu mạnh mẽ với văn hóa Hán. Hệ thống xã hội
theo mô hình Văn Lang–Âu Lạc tại đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng
nghiêm trọng. Đến đầu CN, tính chất giao lưu văn hóa đã bị đẩy đến mức tranh
chấp văn hóa mạnh mẽ do nhà Hán thắt chặt chính sách đồng hóa cưỡng bức,
cuối cùng dẫn đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (39-43) – một sự kiện mang
tính cột mốc lịch sử. Sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cộng đồng Bách Việt
khác tại các địa phương Lưỡng Quảng (Lĩnh Nam) và Hồ Nam (thuộc Nhị Hồ)
có thể cho thấy tính chất và quy mô to lớn của nó (xem phụ lục). Song như một
định mệnh của thời đại, cuộc khởi nghĩa thất bại. Mã Viện bắt hết các Lạc hầu
Lạc tướng thiên di vào đất Trung Hoa nhằm xóa nhạt dần tư tưởng và dòng văn
hóa địa phương, trong đó có sự kiện 300 cừ soái Lạc Việt phải lên định cư tại
đất Linh Lăng (Hồ Nam) [tư liệu điền dã 2008]. Trên thực tế thì thời kì tranh